Tiêu đề: Sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo, không nhầm lẫn giữa hành vi và hành động.
Báo chí đăng tin sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội, điều này gây bất ngờ, bất bình và bực bội cho nhiều người vì tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã bày tỏ có chết mới đền hết tội.
Là một người công tác trong ngành luật, quan điểm của người viết bài này cho rằng khả năng Nghĩa bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình là 99,99%. Điều này xuất phát từ việc tôn trọng nguyên tắc chung của Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Ở đây một điểm rõ ràng cần thống nhất, đó là cho dù Nghĩa có hành vi giết người rõ ràng và chính Nghĩa đã thừa nhận điều này thì Nghĩa vẫn có quyền được pháp luật bảo vệ bằng việc được đưa ra xét xử theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trong đó có sơ thẩm, phúc thẩm. Không ai được tước đi các quyền này của Nghĩa, cho dù tại phiên sơ thẩm Nghĩa có nói là không kháng cáo, đến ngày thứ 15 kể từ ngày tuyên án Nghĩa thay đổi ý kiến và có đơn kháng cáo thì đơn của Nghĩa vẫn được chấp nhận, pháp luật quy định cho thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để cho Nghĩa suy nghĩ quyết định.
Không nhầm lẫn giữa hành vi và hành động
Luật sư Ngô Ngọc Thủy là người bào chữa cho bị cáo lập luận rằng hành vi của nghĩa là nhằm phi tang dấu vết tội phạm và không phải là thực hiện tội phạm một cách man rợ vì nạn nhân đã chết. Dưới góc độ yếu tố pháp lý thì “thực hiện hành vi một cách man rợ” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, luật sư Ngô Ngọc Thủy muốn tránh cho bị cáo chịu tình tiết tăng nặng này.
Về vấn đề này tôi cho rằng luật sư Thủy đã nhầm lẫn giữa hành vi và hành động.
Rõ ràng hành vi giết người của Nghĩa là vụ giết người man rợ nhất từ trước tới nay mà báo chí đưa tin. Hành động đâm từ sau lưng rồi cắt rời cổ nạn nhân là một chuỗi hành động tiếp nối liền nhau, trong cùng không gian, cùng bối cảnh, cùng công cụ phương tiện, cùng thủ phạm và nạn nhân, đây là một hành vi phạm tội, hành vi giết người. Chúng ta có thể phân biệt bóc tách từng hành động thực hiện tội phạm như các thao tác đâm, cắt nhưng không được bóc tách hành vi phạm tội như thế.
Hành vi là thuật ngữ pháp lý chỉ một chuỗi các hành động hoặc một hành động hoặc một sự không hành động của một con người mà việc hành động hoặc không hành động đó xâm phạm tới quan hệ pháp luật được nhà nước bảo vệ. Việc không hành động cũng có thể là một hành vi phạm tội như việc thấy người sắp chết mà không cứu, Bộ luật hình sự quy định tại Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Trong hành vi giết người có thể bao hàm nhiều hành động như đánh, đấm, đạp, đâm, chém, hoặc chỉ một hành động đâm.
Ở đây ông luật sư Ngô Ngọc Thủy đã nhầm lẫn giữa hành động và hành vi nên đã bóc tách hành động đâm và hành động cắt
Nếu tách từng thao tác hành động ra để xử lý thì có lẽ cần xử Nghĩa thêm tội về xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt theo Điều 246 Bộ luật hình sự, mà như thế thì dẫn đến một hành vi phạm tội bị xử lý hai lần. Điều này là hết sức vô lý bởi không thể một hành vi vi phạm (một chuỗi hành động) người ta sẽ bị xử lý mỗi hành động là một tội danh.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp cùng bạn đọc trước ngày xử.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, điện thoại 04.39931888. Di động 0906117641
Công ty luật M.TON, địa chỉ số 59A Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội