Chào bạn;
Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định hoãn phiên toà theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72 và các điều 199, 200, 201, 203, 204, 205, 206, 207, 215 và khoản 4 Điều 230 của Bộ luật TTDS, nhưng thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà (khoản 1 điều 208 Bộ luật TTDS). Trong Quyết định hoãn phiên toà phải có: Lý do của việc hoãn phiên toà; Thời gian, địa điểm mở lại phiên toà (khoản 2 điều 208 Bộ luật TTDS).
Theo điểm 5 Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 21-06-2006 của Hội đồng Thẩm phán, Hướng dẫn thi hành các quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự thì:
“Trường hợp đã ấn định được ngày mở lại phiên tòa, thì trong quyết định hoãn phiên tòa phải ghi thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Nếu chưa ấn định được ngày mở lại phiên tòa thì trong quyết định ghi về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa sẽ được Tòa án thông báo sau.
Trong trường hợp có sự thay đổi về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa, thì Tòa án phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Nếu phiên tòa xét xử một vụ án bị hoãn nhiều lần thì thời hạn của mỗi lần hoãn phiên tòa không được quá giới hạn cho phép là 30 ngày kể từ ngày HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa của lần đó. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc mở phiên tòa xét xử vụ án theo đúng quy định thì sau khi hoãn phiên tòa Tòa án phải có kế hoạch mở lại phiên tòa trong thời gian sớm nhất mà không nhất thiết phải để đến 30 ngày mới mở lại phiên tòa”.
Như vậy, “sau khi hoãn phiên tòa Tòa án phải có kế hoạch mở lại phiên tòa” không nhất thiết phải ra thông báo hòa giải vì:
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội (khoản 2 điều 5 Bộ luật TTDS).
Một vài ý trao đổi cùng bạn.
Thân