Tại Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rut Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Chính phủ cũng đã công bố đây là tình trạng y tế quốc gia tại Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020. Theo đó, dịch bệnh là sự kiện không thể lường trước được, không thể khắc phục được và thực tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là du lịch và xuất nhập khẩu.
Trường hợp người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động: Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2012 quy định khi gặp khó khăn đột xuất do hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh... người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Và phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Về tiền lương, nếu tiền lương của công việc mới mà thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động và người lao động cũng có thể thỏa thuận về việc nghỉ làm không hưởng lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 116 Bộ luật Lao động 2012.
Trường hợp doanh nghiệp khó khăn khiến người lao động phải ngừng việc hoặc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì: Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2012, nếu sự cố xảy ra vì các nguyên nhân khách quan, trong đó có dịch bệnh mà người lao động phải ngừng việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Nếu trường hợp người lao động tự nguyện giảm lương để san sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động trong lúc khó khăn, đồng thời là cơ hội để duy trì việc làm khi dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi và để đảm bảo tính hợp pháp trong giao kết hợp đồng và đảm bảo nguyên tắc trong quan hệ lao động, giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải ký với nhau phụ lục hợp đồng, trong đó nêu rõ mức tiền lương mà người lao động được hưởng và mức này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải áp dụng theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động 2012, phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì mức trợ cấp thôi việc cho người lao động là mỗi năm ½ tháng lương đối với người lao động làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc. (Điều 48 Bộ luật Lao động 2012)
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 có quy định người lao động ngừng thực hiện công việc theo hợp đồng lao động do bị cách ly dịch bệnh, nếu gây thiệt hại thì không phải bồi thường.
Đối với trường hợp cá nhân người lao động bị cách ly và sau đó phát hiện người lao động bị nhiễm virus corona thì giải quyết theo chế độ bảo hiểm xã hội dành cho nghỉ ốm. Về hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể như sau:
Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng:
– Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
– Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
– Tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
Với ngành nghề nặng nhọc, độc hại được thêm 10 ngày/năm so với điều kiện bình thường.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
Mặt khác, do tại Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rut Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A nên trường hợp người bị nhiễm bệnh sẽ được điều trị miễn phí theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật Phòng chống dịch bệnh 2007, cụ thể như sau:
“Điều 48. Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh
Ban chỉ đạo chống dịch chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp sau đây để tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh dịch và người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch:
[...]
2. Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí;”
Theo đó, tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP và Thông tư 32/2012/TT-BTC, thì người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ theo quy định, trừ trường hợp người bị cách ly y tế tại nhà sẽ không được hỗ trợ. Cụ thể chế độ hỗ trợ cách ly y tế như sau:
(1) Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
(2) Được cấp không thu tiền các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
(3) Được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định.
(4) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
(5) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
(6) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
(7) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, hiện nay đa số các địa phương đều hỗ trợ chi trả chi phí tiền ăn đối với các trường hợp bị cách ly y tế để tạo điều kiện cho người bị cách ly.