Để thực hiện kế hoạch phát triển mỏ dầu khí thì phải được phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí. Bài viết này thông tin cho người đọc hồ sơ và thủ tục đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí theo quy định tại Luật Dầu khí 2022 và Nghị định 45/2023/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí
Căn cứ theo khoản 1 Điều 50 Nghị định 45/2023/NĐ-CP hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bao gồm:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí;
- Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);
- Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 48 Luật Dầu khí 2022;
- Bản tóm tắt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí;
- Thỏa thuận hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ0 dầu khí giữa các bên liên quan (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định 45/2023/NĐ-CP;
- Thỏa thuận phát triển chung mỏ dầu khí (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc phát triển chung mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định 45/2023/NĐ-CP;
- Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.
Theo đó, sau khi chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo yêu cầu trên, nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thực hiện nộp hồ sơ và chờ xem xét, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
Thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí
Theo quy định tại Điều 50 Nghị định 45/2023/NĐ-CP trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt hoặc trong thời hạn 06 tháng trước khi kết thúc kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, trên cơ sở kế hoạch phát triển mỏ dầu khí do nhà thầu lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
- Việc thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.
- Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu, ngoài việc thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bằng hình thức hội đồng thẩm định, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra kế hoạch phát triển mỏ dầu khí. Kinh phí thuê tư vấn thẩm tra được lấy từ nguồn chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí quy định tại điểm c khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí 2022. Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu. Thời gian thẩm tra không quá 90 ngày.
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (bao gồm báo cáo thẩm tra của tổ chức tư vấn, nếu có yêu cầu), hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
Theo đó, thủ tục đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được thực hiện như trên. Trong trường hợp có điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương quy định tại khoản 6 Điều 48 Luật Dầu khí 2022 được thực hiện theo quy định tại Điều 50 Nghị định 45/2023/NĐ-CP.
Đối với các trường hợp điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 48 Luật Dầu khí 2022 được xác định trên tổng mức đầu tư cộng dồn trong lần phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí gần nhất và được thực hiện theo quy trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.
Như vậy, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và được cơ quan có thẩm quyền Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí thì Tập đoàn Dầu khí có thể thực hiện kế hoạch này.