Hóa chất Bảng 1 là gì? Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục Cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1 là gì? Hồ sơ, trình tự thực hiện cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1 được thực hiện ra sao?
Hóa chất Bảng 1 là gì?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 33/2024/NĐ-CP có quy định về hóa chất Bảng như sau:
Hóa chất Bảng là hóa chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước cấm vũ khí hóa học và được phân theo thứ tự 1, 2, 3 theo tiêu chí quy định tại phụ lục Hóa chất của Công ước cấm vũ khí hóa học. Hóa chất Bảng bao gồm chất thuộc Danh mục và hỗn hợp chất chứa chất thuộc Danh mục.
Như vậy, hoá chất Bảng 1 là hóa chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước cấm vũ khí hóa học. Hóa chất bảng 1 được quy định trong Phụ lục 1 ban hành hành kèm theo Nghị định 33/2024/NĐ-CP.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục Cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1 là gì?
Tại Mục 2 Phần II Quyết định 977/QĐ-BCT năm 2024 có quy định về yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục Cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1 như sau:
- Điều kiện chung
+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
+ Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 33/2024/NĐ-CP;
+ Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất Bảng phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;
+ Các đối tượng thuộc quy định tại Điều 32 Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
- Điều kiện riêng
+ Chỉ được sản xuất hóa chất Bảng 1 cho một hoặc một số mục đích đặc biệt được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đầu tư 2020, bao gồm phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh;
+ Quy mô sản xuất tại cơ sở quy mô đơn lẻ, dung tích của các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít. Quy mô sản xuất tại các cơ sở khác, tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm đối với mục đích bảo vệ; sản lượng không vượt quá 100 gam/năm đối với một hóa chất nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm đối với mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm; tổng sản lượng không vượt quá 100 gam/năm đối với các phòng thí nghiệm.
Hồ sơ, trình tự thực hiện cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1
Mục 2 Phần II Quyết định 977/QĐ-BCT năm 2024 có quy định về thành phần hồ sơ và trình tự thực hiện cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1 như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 33/2024/NĐ-CP;
+ Bản chính Giấy phép đã được cấp trong trường hợp Giấy phép bị sai sót hoặc có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân; phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy phép trong trường hợp Giấy phép bị hư hỏng (nếu có).
- Trình tự thực hiện:
- Trường hợp Giấy phép bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất).
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) kiểm tra và trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không cấp lại Giấy phép, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chính phủ.
Như vậy, hồ sơ và trình tự thực hiện cấp lại Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1 được thực hiện theo quy định nêu trên.