Hoạt động khám bênh, chữa bệnh lưu động bao gồm các hoạt động gì? Trường hợp muốn tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động thì cần hồ sơ gì? Thủ tục như thế nào?
Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động
Tại khoản 1 Điều 79 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động như sau:
a) Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp ngoài địa điểm khám bệnh, chữa bệnh ghi trong giấy phép hoạt động;
b) Khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, khám sức khỏe tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt.
Hồ sơ cho phép tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động
Căn cứ khoản 1 Điều 83 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cho phép tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động như sau:
- Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động theo Mẫu 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản kê khai danh sách các thành viên tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động theo Mẫu 02 Phụ lục IV Nghị định này, trong đó phải nêu rõ người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật kèm theo bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề của người được phân công là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn khám;
c) Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh (nếu có);
d) Kế hoạch tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động theo Mẫu 03 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của người đứng đầu địa điểm nơi dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Nơi gửi
Hồ sơ đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh lưu động gửi về:
a) Bộ Y tế cho phép đối với:
- Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc lưu động tại 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bộ khác, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
b) Bộ Quốc phòng đối với trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
c) Bộ Công an đối với trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
d) Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c nêu trên.
Thủ tục cho phép tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động
Căn cứ khoản 4 Điều 83 Nghị định 96/2023/NĐ-CP thủ tục cho phép tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động như sau:
Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều 83 Nghị định 96/2023/NĐ-CP này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc đồng ý cho phép tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt hoặc khám bệnh, chữa bệnh lưu động. Trường hợp không đồng ý thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không đồng ý.
=> Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh muốn tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh lưu động phải chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định.