Hồ sơ thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người bao gồm những gì? Cá nhân nước ngoài được cấp giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người không?
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người
Căn cứ Điều 4 Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 09/2013/NĐ-CP
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đề án thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc tổ chức thành lập cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này; danh sách nhân sự dự kiến làm việc tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.
4. Các giấy tờ và văn bản có liên quan:
- Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân;
- Ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở hỗ trợ nạn nhân đặt trụ sở hoạt động, trong đó nêu rõ đồng ý hay không đồng ý về việc đặt trụ sở của cơ sở hỗ trợ nạn nhân;
- Các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn của nhân sự làm việc dự kiến tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Theo đó Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người sẽ bao gồm các hồ sơ như trên.
2. Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người
Căn cứ Điều 10 Nghị định 09/2013/NĐ-CP quy định các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Tổ chức cá nhân Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau:
- Không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này;
-) Việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc lợi dụng việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
- Hồ sơ không hợp lệ.
Theo đó, nếu là cá nhân nước ngoài thì sẽ không được cấp giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân trong vụ việc mua bán người.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật phòng chống mua bán người.
Căn cứ Điều 3 Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.
2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
11. Giả mạo là nạn nhân.
12. Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.
Theo đó các hành vi như trên được xem là hành vi cấm theo Luật phòng, chống mua bán người