Hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người cần những gì?

Chủ đề   RSS   
  • #613467 28/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người cần những gì?

    Bên mua bảo hiểm cần làm gì khi xảy ra tai nạn giao thông? Để được bồi thường bảo hiểm, hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người cần những gì?

    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người bao gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau, từ các giấy phép lái xe, biên bản hiện trường, đến các giấy tờ y tế và pháp lý. 

    Việc thiếu bất kỳ giấy tờ nào cũng có thể gây ra khó khăn trong quá trình bồi thường. Dưới đây là danh sách chi tiết các giấy tờ cần chuẩn bị.

    (1) Hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người cần những gì?

    Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn bao gồm:

    Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm các tài liệu sau:

    - Văn bản yêu cầu bồi thường.

    - Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe (Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp)

    + Giấy chứng nhận đăng ký xe (hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký xe).

    + Giấy phép lái xe.

    + Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ CCCD hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.

    + Giấy chứng nhận bảo hiểm.

    - Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp). Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

    + Giấy chứng nhận thương tích.

    + Hồ sơ bệnh án.

    + Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.

    - Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản:

    + Hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).

    + Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

    - Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.

    - Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

    - Quyết định của Tòa án (nếu có).

    Như vậy, hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người gồm 07 tài liệu trên. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu về bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong và biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

    (2) Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn chết người

    - Trách nhiệm của người mua bảo hiểm khi xảy ra tai nạn:

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP thì bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm:

    + Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.

    + Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    + Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP

    + Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.

    Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm

    + Phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm theo khoản 2 Điều 12.

    Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với tai nạn gây chết người như sau:

    + Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: 70% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong.

    + Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên.

    Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 12 đề cập khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

    Như vậy, bên mua bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo ngay cho bên doanh nghiệp bảo hiểm khi xảy ra tai nạn. Doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và tạm ứng  bồi thường đối với tai nạn gây chết

    Tóm lại, thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn giao thông chết người gồm 07 tài liệu. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu về bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong và biên bản giám định.

    Đối với 05 tài liệu còn lại, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm.

     
    422 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (20/09/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận