Hộ kinh doanh dự thầu: Chứng minh năng lực tài chính thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #617540 16/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Hộ kinh doanh dự thầu: Chứng minh năng lực tài chính thế nào?

    Một trong những yêu cầu quan trọng mà các nhà thầu phải đáp ứng là chứng minh năng lực tài chính. Vậy, một hộ kinh doanh khi muốn dự thầu phải chứng minh năng lực tài chính của mình như thế nào?

    (1) Hộ kinh doanh được tham gia đấu thầu không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023, hộ kinh doanh có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    - Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;

    - Không đang trong quá trình chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

    - Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

    - Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu 2023;

    - Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023;

    - Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

    Như vậy, nhà thầu là hộ kinh doanh hoàn toàn được phép tham gia đấu thầu khi đã đăng ký thành lập, hoạt động hợp pháp và đáp ứng đủ các điều kiện về tư cách dự thầu nêu trên.

    (2) Năng lực tài chính là gì?

    Điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT quy định:

    Thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Trường hợp nhà thầu có các chứng chỉ theo quy định của pháp luật thì kê khai trên Hệ thống.

    Theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, bao gồm:

    - Báo cáo tài chính hoặc tài liệu về doanh thu, tài sản ròng;

    - Tình hình thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế; 

    - Nguồn lực tài chính; 

    - Nhân sự chủ chốt;

    - Máy móc, thiết bị chủ yếu;

    - Hợp đồng đã và đang thực hiện, năng lực sản xuất, trong đó hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được công khai các nội dung chính.

    Như vậy, năng lực tài chính là một trong những tiêu chí để đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.

    (3) Hộ kinh doanh dự thầu chứng minh năng lực tài chính thế nào?

    Thông thường, khi tham gia đấu thầu, nhà thầu cần phải nộp báo cáo tài chính của các năm theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu để chứng minh rằng họ có tình hình tài chính ổn định và giá trị tài sản ròng trong năm gần nhất là dương.

    Tuy nhiên, hộ kinh doanh thường có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, nên không thể đầu tư vào việc lập các báo cáo tài chính chuyên nghiệp hoặc thuê kế toán.

    Một số hộ kinh doanh có thể gặp khó khăn trong việc lưu trữ đầy đủ hồ sơ kế toán và tài chính, làm cho việc thu thập thông tin cần thiết. Ngoài ra, pháp luật cũng không bắt buộc hộ kinh doanh phải lập báo cáo tài chính như các doanh nghiệp lớn.

    Những lý do này đều dẫn đến kết quả là việc thiếu các tài liệu tài chính rõ ràng để chứng minh tình hình tài chính của hộ kinh doanh.

    Do đó, đối với việc chứng minh năng lực tài chính, trường hợp pháp luật không yêu cầu hộ kinh doanh phải có báo cáo tài chính, thì hộ kinh doanh có thể sử dụng các tài liệu tài chính khác được pháp luật công nhận để chứng minh năng lực tài chính của mình.

    Ví dụ: Tại Mẫu số 5A ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT được sử dụng để lập E-HSMT áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ thì có quy định chứng minh năng lực tài chính của hộ kinh doanh như sau:

    Nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế thu nhập cá nhân đối với nhà thầu là hộ kinh doanh) của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu (đối với trường hợp Hệ thống chưa cập nhật thông tin về nghĩa vụ nộp thuế) để đối chiếu khi được mời vào đối chiếu tài liệu.

    Nghĩa vụ nộp thuế là nộp thuế với giá trị thuế tương ứng với thuế suất, thu nhập chịu thuế, doanh thu tính thuế nhà thầu kê khai trên Hệ thống thuế điện tử (số thuế đã nộp tương ứng với số thuế phải nộp); trường hợp được chậm nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế theo chính sách của Nhà nước thì thực hiện theo quy định này.

    Trường hợp Hệ thống chưa trích xuất tự động thông tin về nghĩa vụ nộp thuế của nhà thầu thì nhà thầu nộp các tài liệu như sau:

    - Tờ khai thuế (hoặc thông báo nộp tiền của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh) và Giấy nộp tiền có xác nhận của cơ quan thuế được in từ Hệ thống thuế điện tử hoặc

    - Tờ khai thuế (hoặc thông báo nộp tiền của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh) và xác nhận của cơ quan thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

    Như vậy, để chứng minh năng lực tài chính của mình, hộ kinh doanh có thể cung cấp các tài liệu chứng minh nghĩa vụ kê khai và nộp thuế để chứng minh năng lực tài chính, bao gồm: tờ khai thuế, giấy nộp tiền có xác nhận từ cơ quan thuế, hoặc xác nhận về việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

    Theo đó, hộ kinh doanh vẫn có thể chứng minh năng lực tài chính của mình trong quá trình tham gia đấu thầu thông qua những giấy tờ, tài liệu nêu trên.

     
    238 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận