Hộ gia đình khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt có phải đăng ký?

Chủ đề   RSS   
  • #611364 10/05/2024

    Hộ gia đình khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt có phải đăng ký?

    Hộ gia đình khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt có phải đăng ký? Nhà nước ưu tiên khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt bằng biện pháp nào? Mức xử phạt hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký?

    1. Hộ gia đình khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt có phải đăng ký?

    Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật tài nguyên nước 2012. Theo đó, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép bao gồm:

    (i) Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình.

    (ii) Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

    (iii) Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối.

    (iv) Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học.

    (v) Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

    Trường hợp khai thác nước dưới đất quy định tại các khoản (i), (ii) và (iii) Mục này ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký.

    Ngoài ra, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 02/2023/NĐ-CP. Theo đó, khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thì phải đăng ký.

    Như vậy, việc khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức hoặc nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thì phải đăng ký.

    2. Nhà nước ưu tiên khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt bằng biện pháp nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật tài nguyên nước 2012. Nhà nước ưu tiên khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt bằng các biện pháp sau đây:

    - Đầu tư, hỗ trợ các dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch, ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    - Có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt.

    Như vậy, Nhà nước ưu tiên khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt bằng việc đầu tư, hỗ trợ và có chính sách ưu đãi, khuyến khích.

    3. Mức xử phạt hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký?

    Căn cứ khoản 1, khoản 16 Điều 9 Nghị định 36/2020/NĐ-CP. Theo đó, hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký sẽ bị xử phạt: Cụ thể:

    - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    + Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

    Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký sẽ bị xử phạt lên đến 1.000.000 đồng cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả.

     
    68 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận