Khi đã ký hợp đồng lao động, một số người lao động vẫn không khỏi bâng khuâng khi bị phân công, chuyển đi làm ở nơi khác với những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng do tâm lý đã ký hợp đồng ràng buộc với công ty nên một số người chịu đựng để làm mà không biết doanh nghiệp đang vi phạm pháp luật.
Pháp luật chỉ cho phép doanh nghiệp tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Do đó, nếu doanh nghiệp ép người lao động làm việc ở một địa điểm khác so với hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận ban đầu thì doanh nghiệp sẽ bị phạt.
Cụ thể trong trường hợp này, theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP có quy định:
"2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật lao động 2012;"
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi cho mình, người lao động có thể khiếu nại quyết định điều chuyển, thay đổi địa điểm làm việc của mình tới người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc làm đơn khiếu nại gửi tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trường hợp doanh nghiệp vẫn không thay đổi quyết định thì người lao động có thể khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết.