>>> Từ 2021 sẽ bãi bỏ lương cơ sở, hệ số lương và xây dựng 05 bảng lương mới
>>> Tổng hợp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc hành chính, dân sự, đất đai, hình sự
Qua nay, trên mạng xã hội FB đã nổ ra một cuộc tranh cãi “nảy lửa” giữa nam ca sĩ/diễn viên Trương Thế Vinh và một nhãn hàng thời trang tại Việt Nam. Cụ thể, Trương Thế Vinh tố nhãn hàng này đã tự ý sử dụng hình ảnh của anh (hình ảnh anh một chiếc mặc áo là một thiết kế của nhãn hàng thời trang này, trước đó anh đã được bạn tặng) để quảng cáo thương hiệu mà không xin phép. Trương Thế Vinh đã trực tiếp nhắn tin cho phía nhãn hàng thời trang để yêu cầu gỡ ảnh và yêu cầu bồi thường 25 triệu đồng cho 05 ngày sử dụng hình ảnh PR “chùa” trái phép. Tuy nhiên, phía chủ nhãn hàng thời trang lại phản pháo gay gắt khi cho rằng hình ảnh đã sử dụng được lấy từ báo mạng, không phải từ tài khoản cá nhân của Trương Thế Vinh nên không thể khẳng định đây là hình ảnh độc quyền.
Câu hỏi đặt ra, chiếu theo luật thì hành vi đăng tải hình ảnh cá nhân Trương Thế Vinh trên của nhãn hàng thời trang đúng hay sai?
1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật (trừ một số trường hợp nhất định).
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
|
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu như sử dụng hình ảnh cá nhân trong các trường hợp ngoại lệ sau đây thì không bị xem là vi phạm pháp luật. Đây là các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
|
Xét trong vụ việc này, lập luận phía nhãn hàng cho rằng anh mặc mẫu thiết kế của nhãn hàng và hình ảnh của anh được lấy từ báo mạng (không phải từ FB cá nhân của Trương Thế Vinh) nên việc đem về đăng ở FP nhãn hàng là quyền của nhãn hàng; ngoài ra, việc anh đòi 25 triệu tiền sử dụng hình ảnh là vô lý, cho rằng anh ngông cuồng chứng tỏ đẳng cấp ngôi sao – điều này là không có căn cứ pháp lý, bởi:
+ Thứ nhất, bài báo đăng tải hình ảnh của Trương Thế Vinh rất có thể đã nhận được sự đồng ý của Trương Thế Vinh (thông qua buổi vấn, trao đổi cung cấp thông tin với phóng viên). Do đó, việc sử dụng hình ảnh của anh để đăng tải trên là hợp pháp. Nói rõ hơn chút, quyền đối với tác phẩm (bức ảnh) thuộc về người chụp bức ảnh đó và Trương Thế Vinh có quyền đối với hình ảnh của mình.
+ Thứ hai, việc nhãn hàng lấy hình ảnh từ bài báo về đăng tải trên FP của mình, không thể chối cãi rằng đây chính là hành vi sử dụng hình ảnh với mục đích kinh doanh thương mại. Bởi vì, dễ nhận thấy Trương Thế Vinh là người có sự ảnh hưởng đối với công chúng, đăng tải hình ảnh anh mặc áo thiết kế của nhãn hàng sẽ giúp nhãn hàng được PR đến nhiều người hơn. Xong, giữa nhãn hàng và Trương Thế Vinh lại không hề tồn tại một thỏa thuận hay hợp đồng nào về việc hợp tác đôi bên và việc sử dụng hình ảnh của anh để quảng bá. Thế nên, kết luận bên nhãn hàng thời trang đã sử dụng hình ảnh của Trương Thế Vinh một cách trái phép vì đăng tải mà chưa được sự đồng ý của anh, hơn nữa cũng không thuộc trường hợp được sử dụng mà không cần xin phép tại điểm a, b khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015. Chính vì vậy, nhãn hàng có nghĩa vụ phải trả thù lao cho việc sử dụng hình ảnh của Trương Thế Vinh theo khoản 1 Điều 32. Anh có quyền kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với hành vi xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân.
2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không xin phép.
Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng.
Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
.............
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
3. Xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân mà không xin phép.
Nghiêm trọng hơn, nếu trường hợp bên sử dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được sự đồng ý có thể còn đối mặt với việc bị xử lý hình sự nếu rơi vào điểm b khoản 1 Điều 288 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính:
Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
4. Các biện pháp dân sự để xử lý trường hợp quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm.
Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, bản thân các cá nhân bị xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân cũng có thể chủ động áp dụng các biện pháp dân sự để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Vấn đề xử lý các hành vi vi phạm theo pháp luật dân sự được quy định tại Khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015:
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, trong trường hợp phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, cá nhân đó có quyền:
- Yêu cầu người/tổ chức có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của mình chấm dứt hành vi vi phạm.
- Khởi kiện người có hành vi vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại về vật chất/tinh thần nếu có.
- Yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu cá nhân/tổ chức có hành vi xâm phạm trả thù lao cho việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh nhằm mục đích thương mại.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 25/07/2019 07:00:28 CH