Hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí bảo hiểm?

Chủ đề   RSS   
  • #608943 29/02/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí bảo hiểm?

    Sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm mới đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Vậy khi xảy ra sự kiện bảo hiểm có được bồi thường không?

    Tìm hiểu nội dung của Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bào hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm (được ban hành kèm theo Quyết định 50/QĐ-CA năm 2020 về công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Khái quát án lệ:

    - Tình huống án lệ:

    Sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm mới đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến gì, không có văn bản thông báo cho bên mua bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng mà vẫn nhận phí bảo hiểm, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về khoản tiền đóng phí bảo hiểm. Sau đó, sự kiện bảo hiểm xảy ra.

    - Giải pháp pháp lý:

    Trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm.

    Nhận định của Tòa án về nội dung vụ việc:

    [1] Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện:

    [2] Công ty N cung cấp, lắp đặt và vận hành 03 lò hơi tại Khu công nghiệp M, huyện T, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho Công ty cổ phần giấy S (Công ty giấy). Đồng thời Công ty N và Công ty bảo hiểm P1 (Bảo hiểm P1) ký kết 05 Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi và bảo hiểm trách nhiệm công cộng, cụ thể: Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/DNI/XCG/3201/0006 ngày 26-3-2015 (HĐ số 06); Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng số P-15/DNI/XCG/3303/0010 ngày 26-3-2015 (HĐ số 10); Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/DNI/XCG/3201/0007 ngày 30-09-2015 (HĐ số 07); Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/ĐNI/XCG/3201/0008 ngày 30-09-2015 (HĐ số 08); Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng số P-15/ĐNI/XCG/3303/0057 ngay 30-09-2015 (HĐ số 57).

    [3] Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 13-11 -2015, tại Công ty giấy xảy ra sự cố nổ lò hơi số 3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trưng cầu giám định nguyên nhân dẫn đến sự cố và có kết luận nguyên nhân nổ lò hơi số 3 là do lỗi kỹ thuật, không có dấu hiệu của tội phạm. Sự cố nổ lò hơi không chỉ gây ra thiệt hại cho những tài sản của Công ty N mà còn ảnh hưởng đến tài sản của Công ty giấy. Những tài sản bị thiệt hại tại Công ty giấy nằm trong phạm vi bảo hiểm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm nên Công ty N được bồi thường bảo hiểm về giá trị bị thiệt hại theo qui định của pháp luật.

    [4] Tuy nhiên, Bảo hiểm P1 cho rằng Công ty N chậm nộp tiền phí bảo hiểm, nên Hợp đồng số 06 và Hợp đồng số 10 không có hiệu lực vì: Ngày cuối cùng phải đóng tiền phí bảo hiểm là ngày 01-5-2015, nhưng đến ngày 07-5-2015, Công ty N mới chuyển tiền đóng phí bảo hiểm cho Bảo hiểm P1. Sau Khi nhận được tiền Phi bảo hiểm của Công ty N, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 không có ý kiến gì và cũng không có văn bản thông báo về việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm thì hai Hợp đồng trên đã không còn hiệu lực từ ngày 01-5-2015, mà Bảo hiểm P1 vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về hai khoản tiền đóng bảo hiểm này của Công ty N, nên mặc nhiên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hai hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực Thi hành.

    [5] Do đó, Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải có trách nhiệm bồi thường theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết.

    [6] Đối với việc tổn thất và bồi thường thấy rằng: Căn cứ Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: Phải thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Để từ đó, có căn cứ xác định khoản tiền Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ quyết định thẩm định giá trị tài sản để từ đó lấy căn cứ buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P bồi thường là không có căn cứ vì theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Giá quy định: Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa diêm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.

    [7] Mặt khác, theo quy định tại Hợp đồng bảo hiểm số 06 quy định về mức khấu trừ như sau: Mức khấu trừ là khoản tiền người được bảo hiểm tự gánh chịu trong trường hợp có tổn thất xảy ra, mức khấu trừ trong Hợp đồng này là 5% giá trị tổn thất tối thiểu là 10.000.000 đồng/mỗi vụ tổn thất. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét thỏa thuận này trong Hợp đồng mà buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là không đúng thỏa thuận của Hợp đồng, làm thiệt hại quyền lợi của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P.

    [8] Đối với Hợp đồng bảo hiểm số 08: Sau Khi xảy ra sự việc, hai bên thống nhất để Công ty cổ phần giám định B thực hiện việc giám định. Nhưng Công ty cổ phần giám định B chưa giám định xong tổn thất do Công ty N chưa cung cấp đủ hồ sơ, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét vấn đề này mà đã buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường cho Công ty N Khi chưa đủ chứng cứ là không có căn cứ.

    [9] Công ty N chưa cung cấp được chứng cứ để chứng minh đã bồi thường thiệt hại về vật chất cho bên thứ ba, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường trách nhiệm công cộng theo Hợp đồng số 10 và Hợp đồng số 57 số tiền 1.510.790.352 đồng là chưa có căn cứ.

    [10] Ngoài ra, giấy kiểm định kỹ thuật của Trung tâm kiểm định Công nghiệp II xác định: Lần kiểm định trước tháng 10-2013, nhưng hợp đồng bảo hiểm và chứng thư thẩm định giá lại xác định Lò sấy BIOMASS sản xuất năm 2014, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ vấn đề này, nhưng đã quyết định buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường cho Công ty N là chưa đủ căn cứ.

    Nội dung án lệ:

    “[4]... Sau Khi nhận được tiền phí bảo hiểm của Công ty N, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 không có ý kiến gì và cũng không có văn bản thông báo về việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm thì hai Hợp đồng trên đã không còn hiệu lực từ ngày 01-5-2015, mà Bảo hiểm P1 vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về hai khoản tiền đóng bảo hiểm này của Công ty N, nên mặc nhiên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hai hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực Thi hành.

    [5] Do đó, Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải có trách nhiệm bồi thường theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết.”

    Án lệ số 37/2020/AL mở ra một nguyên tắc áp dụng đặc biệt cho các vụ việc tranh chấp bồi thường bảo hiểm theo đó: Người mua bảo hiểm nộp phí bảo hiểm chậm (điều mà đáng ra theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm và theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm hiệu lực của hợp đồng chấm dứt), vẫn sẽ được bồi thường bảo hiểm khi có tổn thất nếu khoản phí bảo hiểm nộp chậm đó được Doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận.

    Trên thực tế, các trường hợp tương tự vụ việc này khá phổ biến. Trong đa số các trường hợp, Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chấp nhận bồi thường khi mà họ đã nhận phí bảo hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại quá lớn, việc trốn tránh trách nhiệm bồi thường như Bảo hiểm P1 trong vụ việc này cũng không hề hiếm. Án lệ số 37/2020/AL đã nêu ra giải pháp pháp lý rõ ràng, có căn cứ và phù hợp để giải quyết các trường hợp tương tự, giúp cho quyền lợi của bên mua bảo hiểm được bảo vệ, các Doanh nghiệp bảo hiểm có căn cứ để thực hiện việc bồi thường.

     
    645 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận