Hiệp định TPP: Thông cáo báo chí tóm tắt cam kết thuế quan

Chủ đề   RSS   
  • #411978 02/01/2016

    ChuTuocLS
    Top 150
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (581)
    Số điểm: 44833
    Cảm ơn: 54
    Được cảm ơn 1148 lần


    Hiệp định TPP: Thông cáo báo chí tóm tắt cam kết thuế quan

    Kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo trong đó tóm tắt cam kết thuế quan trong trọng Hiệp định TPP.

    Thông cáo báo chí về cam kết thuế quan TPP

    I. Giới thiệu chung

    Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chilê, Niuzilân và Xinh-ga-po. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010. 

    Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Hoa Kỳ, Úc, Niu Di-lân, Xin-ga-po, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Pêru, Chi-lê, Ca-na-đa, Mê-xi-cô và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới. 

    Ngày 5/10/2015, 12 nước TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định và sẽ tiến hành rà soát pháp lý và hoàn tất các công việc kỹ thuật.

    Ngày 6/11/2015, các nước TPP đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất. Nội dung toàn văn bản Hiệp định được đăng tải tại trang web của Bộ Tài chính.

    II. Cam kết về thuế Nhập khẩu của các nước dành cho Việt Nam 

    Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

    Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại, trừ Hoa Kỳ áp dụng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP.

    1. Cam kết của Hoa Kỳ

    Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan.

    a)     Về nông nghiệp:

    -       Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 0,95 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay.

    -       Vào năm thứ 10, tổng số dòng thuế nông nghiệp được xóa bỏ là 97,4%. Hoa kỳ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 35 dòng thuế đường và sản phẩm chứa đường.

    b)     Về công nghiệp (trừ dệt may):

    -       85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tương đương với 6 tỷ USD). Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp.

    -       Thủy sản: Xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).

    -       Giày dép: 85% số dòng thuế giày dép được xóa bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,15 tỷ USD), đồng thời 3,2% số dòng thuế có kim ngạch lớn (58% kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) Hoa Kỳ cam kết giảm ngay từ 40% - 55% mức hiện hành và xóa bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm thứ 12.

    -       Đồ gỗ, cao su, dây cáp điện: Xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu trừ lốp ô tô (xóa bỏ thuế vào năm thứ 10) và 2 dòng thuế dây cáp điện (xóa bỏ thuế vào năm thứ 5).

    -       Sản phẩm nhựa: 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ sau tối đa vào năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

    -       Điện, điện tử: khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, một số mặt hàng còn lại được xóa bỏ vào năm thứ 3 đến năm thứ 5 và chỉ một số ít sản phẩm được xóa bỏ vào năm thứ 10.

    c)      Về dệt may:

    -       73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD).

    -       Thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 5.

    -       Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35-50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

    2. Cam kết của Ca-na-đa

    -       Ca-na-đa cam kết xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4.

    -       Ca-na-đa duy trì hạn ngạch thuế đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: (i) thịt gà; (ii) trứng và (iii) bơ sữa và sản phẩm bơ sữa.

    -       Nông sản, điện, điện tử của Việt Nam được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết. Mặt hàng đồ nội thất, cao su sẽ được xóa bỏ hoàn toàn ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc vào năm thứ 5.

    -       Các mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ 100% thuế vào năm thứ 4, trong đó 42,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

    -       Giày dép: Đa số xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu giày dép), 12% kim ngạch xuất khẩu sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 7, 01 dòng thuế có có kim ngạch lớn (10,7% kim ngạch giày dép) sẽ được cắt giảm 75% so với mức hiện hành và 09 dòng cam kết xóa bỏ vào năm thứ 12 (9,5% kim ngạch xuất khẩu giày dép).

    3. Cam kết của Nhật Bản

    Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản(tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.

    -       Đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật bản không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm phẩm của chúng.

    -       Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của VN được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ.... Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

    -       Mặt hàng rau quả, Nhật Bản cam kết mức thuế 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

    -       Mặt hàng mật ong: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 8.

    -       Mặt hàng giày dép: 79,5 % kim ngạch các xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16.

    -       Mặt hàng vali, túi xách bằng da: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.

    -       Dệt may: 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.

    4. Cam kết của Mê-xi-cô

    Tại thời điểm bắt đầu thực thi cam kết, tổng số 77,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay (chiếm 36,5% kim ngạch XK của Việt Nam sang Mê-xi-cô, tương ứng với 282 triệu USD). Vào năm thứ 10, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng với 440 triệu USD. Mê-xi-cô không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm; dầu cọ.

    -       Thủy sản: Cá tra, basa, xóa bỏ thuế vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 13; Tôm chế biến xóa bỏ vào năm thứ 12. Cá ngừ chế biến xóa bỏ thuế vào năm thứ 16, trong đó giữ nguyên mức thuế cơ sở trong 5 năm đầu tiên rồi giảm dần về 0%.

    -       Gạo: Thóc, gạo lứt và gạo tấm xóa bỏ thuê ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng gạo xay xát sẽ giảm về 0% vào năm thứ 10.

    -       Dệt may: Xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 16.

    -       Giày dép: Xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 13.

    -       Túi xách: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.

    -       Cà phê: Xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

    -       Gạo: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 11.

    5. Cam kết của Pê-ru

    Pê-ru cam kết xóa bỏ tới 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ VN (15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. Pê-ru duy trì thuế theo biến động giá đối với 47 dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường.

    Các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như điều, chè, tiêu, rau quả, một số loại cà phê đều được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Nhóm mặt hàng dệt may, giày dép lại có lộ trình cắt giảm dài, xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đến năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

    6. Cam kết của Úc

    Tổng số 93% số dòng thuế của Úc, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (2,9 tỷ USD) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

    7. Cam kết của Niu-di-lân

    Niu-di-lân sẽ xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (101 triệu USD). vào năm thứ 7 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

    8. Cam kết của Xinh-ga-po

    Xinh-ga-po xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.

    9. Cam kết của Ma-lai-xi-a

    Ma-lai-xi-a cam kết xóa bỏ ngay đối với 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, tổng số dòng hàng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Ma-lai-xi-a lên tới 99,9%. Ma-lay-xi-a áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thị gà, thịt lợn và thịt bò.

    10. Cam kết của Chi-lê

    Chi - lê cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi-lê (76 triệu USD).

    Vào năm thứ 8, Chi-lê sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

    Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Giày dép, cao su sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình tối đa vào năm thứ 4. Mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ tối đa vào năm thứ 8.

    11. Cam kết của Bru-nây

    Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, Bru-nây sẽ xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

    III. Cam kết về thuế Nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước

    Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP, theo đó:

    -      65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực;

    -      86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực;

    -      97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11kể từ khi Hiệp định có hiệu lực;

    -      Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

    Cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với một số nhóm mặt hàng cụ thể như sau:

    1. Sản phẩm công nghiệp

    -      Ô tô: xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10;. Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất MFN.

    -      Sắt thép, xăng dầu: chủ yếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11.

    -      Nhựa và sản phẩm nhựa; Hóa chất và sản phẩm hóa chất; Giấy, đồ gỗ; Máy móc, thiết bị: phần lớn xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4.

    -      Dệt may, giày dép: xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

    -      Rượu bia: xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake, các mặt hàng còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11, một số loại vào năm thứ 12.

    2. Sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản

    -      Thịt gà: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau vào năm thứ 11/12.

    -      Thịt lợn: xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi vào năm thứ 8 năm đối với thịt lợn đông lạnh.

    -      Gạo: xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

    -      Ngô: xóa bỏ sau vào năm thứ 5 một số loại xoá bỏ vào năm thứ 6.

    -      Sữa và sản phẩm sữa: xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 3.

    -      Thực phẩm chế biến từ thịt: xóa bỏ vào năm thứ 8 đến năm thứ 11,  chế biến từ thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5.

    -      Mặt hàng đường, trứng, muối: xóa bỏ thuế trong hạn ngạch của WTO vào năm thứ 6 đối với mặt hàng trứng và vào năm thứ  11 đối với mặt hàng đường, muối. Thuế ngoài hạn ngạch giữ như mức MFN.

    -      Lá thuốc lá: xóa bỏ thuế trong hạn ngạch vào năm thứ 11 đối với lượng hạn ngạch 500 tấn, mỗi năm tăng thêm 5% trong vòng 20 năm. Thuế suất ngoài hạn ngạch duy trì ở mức MFN đến năm thứ 20, đến năm 21 thuế nhập khẩu về về 0%.

    -      Thuốc lá điếu: xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16.

    -      Phân bón: xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

    IV. Cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam

    Trong TPP có 3 nước áp dụng thuế xuất khẩu là Việt Nam, Malaysia và Canada. Cả 3 nước cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu.

    Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu, cụ thể:

    -         Nhóm khoáng sản: cát (Ch.25), đá phiến (2514), đá làm tượng đài hoặc xây dựng (2516), quặng dolomite (2518), quặng amiăng (2524), đá vôi (2521), quặng steatit (2526).

    -         Nhóm quặng: quặng đồng (2603), cô ban (2605), quặng nhôm (2606), quặng chì (2607), quặng kẽm (2608), quặng urani (2612), quặng thori (2612), quặng titan (2614), quặng zircon (2615), quặng vàng (2616) và  quặng antimon (2617).

    -         Nhóm than: than đá (2701), than non (2702), than bùn (2703), và dầu thô (2709).

    -         Nhóm vàng (7108) và vàng trang sức (7113-7115).

    V. Cam kết trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam

    Hiệp định TPP là một Hiệp định theo mô hình FTA thế hệ mới không chỉ tập trung vào tự do hóa đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa mà còn mở rộng đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó có các ngành dịch vụ tài chính. Các nước TPP phải cam kết tuân thủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cam kết đối với dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm

    Các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra  3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm: (i) Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài; (ii) Áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư; (iii) Đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định. Cụ thể như sau:

    -       Về mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa: So với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: (i) mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; (ii) dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; (iii) mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

    -       Về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài: mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu MST. Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: Nhà nước và Nhà nước và Nhà đầu tư và Nhà nước, đặc biệt cơ chế Nhà đầu tư với Nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả.

    -       Về việc đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước: TPP cho phép các nước áp dụng các ngoại lệ cần thiết, tạo ra không gian chính sách gồm các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, an toàn.

    Bên cạnh đó, TPP ràng buộc nghĩa vụ các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách đối với các ngành dịch vụ, theo đó nếu Việt Nam điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật trong nước theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc, không được ban hành chính sách quay trở lại mức cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, các nước TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày.

    Các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

    VI. Cam kết trong lĩnh vực Hải quan

    Chương cam kết về Hải quan bao gồm 12 Điều, trong đó quy định các cam kết về nghiệp vụ chính như: Quy định về thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh trong vòng 6 tiếng; quy định về cơ chế ban hành xác định trước đối với các lĩnh vực mã số, phương pháp xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa; quy định cụ thể về thời gian giải phóng hàng hóa trong vòng 48 tiếng khi hàng hóa nhập cảnh hải quan và có cơ chế cho phép thông tin được xử lý bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến nhằm nhanh chóng giải phóng hàng; quy định quản lý rủi ro... Riêng đối với quy định về trị giá tối thiểu vẫn thực hiện theo luật của quốc gia.

    Một vấn đề mà Hiệp định TPP tác động lớn đến công tác quản lý hải quan là quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thời gian chuyển đổi tối đa 10 năm. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Điều này tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Hiện nay trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đang tham gia thực hiện thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là một bước quan trọng chuẩn bị cho công tác triển khai sau này./.

    Nguồn: Trung tâm WTO

     
    5505 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận