Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, có nội dung Thủ tướng chỉ đạo về việc tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, bán lẻ xăng dầu: “Dứt khoát trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì thu giấy phép”. Theo đó, chính phủ siết chặt hơn về việc xuất hoá đơn điện tử. Vậy, hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu là gì? Tại sao lại phải dứt khoát thắt chặt công tác này?
Hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu là gì?
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử:
Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:
- Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
- Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
Như vậy, hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu là hoá đơn điện tử dùng cho từng lần bán lẻ xăng dầu mà người bán sẽ gửi cho người mua sau khi họ thực hiện hoạt động mua xăng dầu tại cửa hàng của mình.
Có bắt buộc phải xuất hoá đơn điện tử sau mỗi lần bán lẻ xăng dầu?
Tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 26 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu như sau:
Thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế.
Cùng với đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế 2019 quy định một trong các nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Như vậy, khi kinh doanh xăng dầu thì bắt buộc phải xuất hoá đơn điện tử cho khách hàng dù là bán lẻ hay bán sỉ, giá trị của đơn hàng to hay nhỏ.
Chính phủ siết chặt quy định sử dụng hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu
Ngày 1/12/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Một trong các nội dung Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện ngay là chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Việc triển khai siết chặt việc thực hiện xuất hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu theo từng lần có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Theo đó, khi xuất hoá đơn điện tử sẽ:
- Hạn chế tình trạng mua bán xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng và ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, từ đó chống thất thu thuế cho Nhà nước.
- Giảm được một phần chi phí in ấn hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn lưu trữ thông tin, khắc phục tình trạng mất hóa đơn trong quá trình vận chuyển, lưu trữ.
- Giúp cho hoạt động kiểm tra, lưu trữ hóa đơn trở nên đơn giản hơn.
- Khi triển khai HĐĐT, cả cơ quan quản lý thuế, DN đều có thể truy cập nhanh chóng vào Cổng thông tin xăng dầu của DN để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra, giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối chiếu số liệu.
Trên đây là bài viết giải đáp về hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu. Các cá nhân, doanh nghiệp có thể tham khảo để thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh mua bán xăng dầu.