Hết hạn giấy lưu hành thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thì cần phải làm gì?

Chủ đề   RSS   
  • #605908 05/10/2023

    Hết hạn giấy lưu hành thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thì cần phải làm gì?

    Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.

    Như vậy, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu hết thời hạn lưu hành đã được đăng ký thì cần làm thủ tục gì?

    Thời gian lưu hành của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là bao lâu?

    Theo quy định tại khoản 6 Điều 34 Luật chăn nuôi 2018 thì thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn bổ sung là 05 năm kể từ ngày sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trên Cổng thông tin điện tử.

    Luật chăn nuôi 2018 chỉ quy định thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn bổ sung. Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc và thức ăn truyền thống Luật chăn nuôi 2018 không quy định về thời gian lưu hành.

    Yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường là gì?

    Theo Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định về yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường là:

    - Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

    - Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

    - Sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

    - Công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    - Nhãn hoặc tài liệu kèm theo thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật.

    Thủ tục đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam được quy định như thế nào?

    Luật chăn nuôi 2018 không đặt ra thủ tục đăng ký thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam. Thủ tục này trước đây được quy định tại Điều 12 Nghị định 39/2017/NĐ-CP được ban hành căn cứ trên Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004. Cả hai văn bản này đều đã hết hiệu lực thi hành.

    Quy định về thức ăn chăn nuôi hiện được quy định tại Điều 32 đến Điều 51 Luật Chăn nuôi 2018.

    Theo đó, thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường cần đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018 về yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường đã trích dẫn trên.

    Trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi sau ngày Luật chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo Điều 41 Luật chăn nuôi 2018, theo đó:

    - Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định tại khoản 4 Điều 43 của Luật chăn nuôi 2018.

    - Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải có hoặc thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp.

    - Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    Trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

    - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, phòng thử nghiệm tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:

    + Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

    + Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam.

    - Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Về giấy lưu hành thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được cấp trước ngày Luật chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành thì khoản 1 Điều 83 Luật chăn nuôi 2018 có quy định:

    Tổ chức, phòng thử nghiệm đã được chỉ định; giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ trong chăn nuôi đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

    Như vậy, Luật chỉ quy định Giấy lưu hành thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được cấp trước ngày Luật chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn, trường hợp hết thời hạn thì Luật không đề cập, theo nguyên tắc giấy lưu hành hết thời hạn mà không có quy định cấp mới/ gia hạn giấy này thì không cần cấp mới/ gia hạn.

     
    560 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn 1004isyou@gmail.com vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (06/10/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận