Chào LS Chánh và mọi người,
Tôi chỉ xin đưa ra ý kiến cá nhân của mình thôi nhé.
Về vấn đề này, tôi nghĩ có 2 điểm cần tách bạch để giải quyết:
1. Giao dịch dân sự này có vô hiệu hay không do ông V nói rằng ông D ép buộc ông viết giấy nhận nợ?
Căn cứ Điều 132 BLDS thì: "Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
...
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình."
Căn cứ Điều 79 BLTTDS về nghĩa vụ chứng minh thì:
"1. Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.
3. ...
4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó."
Theo các quy định nêu trên, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ sẽ bao gồm:
- Chứng cứ về phía ông D: giấy ghi nhận nợ của ông V, trong đó có người làm chứng, là một bằng chứng xác thực cho thấy ông V có nợ ông D và có nhận 100 triệu đồng từ ông D.
- Chứng cứ về phía ông V: Nếu ông V nói rằng ông bị ép buộc ký giấy nhận nợ thì phải đưa ra chứng cứ xác thực của sự việc. Lúc đó, sẽ có căn cứ để tòa tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 132 BLDS.
Tai phiên tòa, ông V không đưa ra được chứng cứ như đã nói, do vậy TAND huyện Châu Thành đã ra bản án sơ thẩm như vậy là hợp lẽ.
2. Giao dịch dân sự này có vô hiệu do bị nhầm lẫn hay không, khi ghi ngày trả nợ là 30/2/2012 (không có trên thực tế)?
Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu căn cứ theo quy định tại Điều 131 BLDS:
"Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này."
để tuyên bố giao dịch dân sự này vô hiệu là không hợp lý, bởi vì:
- Việc ghi ngày nhầm lẫn (dù do vô ý hay cố ý của một hoặc hai bên) cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất nội dung giao dịch dân sự này.
- Việc nhầm lẫn này không thể do ông D cố ý (vì dại gì ông D ghi ngày không có trên thực tế, làm sao nhận trả tiền đúng ngày này), nếu có thì chỉ có thể là do i) cả hai nhầm lẫn hoặc ii) ông V cố ý gây nhầm lẫn. Như vậy, nếu:
i) Cả hai nhầm lẫn: việc nhầm lẫn không ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất và nội dung cơ bản của giao dịch nên không thể tuyên vô hiệu. Lý giải: ý chí của hai bên là xác định ngày trả nợ vào cuối tháng 2/2012, còn việc ghi ngày sai (không có trên thực tế) là do cùng sơ suất chứ không ảnh hưởng đến các nội dung khác.
ii) Ông V cố ý gây nhầm lẫn: bên bị nhầm lẫn sẽ là ông D. Từ đó dẫn đến chỉ có bên ông D mới có quyền yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch vô hiệu. Mà ông D không bao giờ làm điều này.
Trên đây chỉ là lý luận logic theo quy định pháp luật. Thực tế xét xử tại tòa sẽ làm rõ các tình tiết và đưa vụ việc theo hướng có chứng cứ xác thực.
Vài dòng trao đổi. Mong được góp ý. Thân ái.
Cập nhật bởi Maiphuong5 ngày 19/09/2012 11:18:32 SA
Hope For The Best, But Prepare For The Worst !