HĐTP-TANDTC hướng dẫn trường hợp hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Chủ đề   RSS   
  • #611954 24/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    HĐTP-TANDTC hướng dẫn trường hợp hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

    Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, trong đó có hướng dẫn về các trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

    (1) Khi nào thì cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

    - Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

    - Phá tán tài sản của con;

    - Có lối sống đồi trụy;

    - Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

    Theo đó, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà Tòa án sẽ ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. 

    Nếu các hành vi vi phạm của cha, mẹ đối với con chưa thành niên đã chấm dứt, Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

    (2) Ai có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên?

    Ngoài Tòa án, những người được quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 sau đây có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

    - Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

    - Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

    + Người thân thích;

    + Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

    + Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

    + Hội liên hiệp phụ nữ.

    - Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức trên yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

    Như vậy, để bảo vệ trẻ em đến mức tối đa, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ngoài Tòa án thì các cá nhân, tổ chức theo quy định trên mà phát hiện ra cha, mẹ của con chưa thành niên có các hành vi vi phạm theo khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

    (3) Hướng dẫn của HĐTP TAND Tối cao về trường hợp hạn chế quyền của cha, mẹ đối

    Theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết các trường hợp tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

    Trường hợp “Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý”

    Là trường hợp cha, mẹ bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý.

    Ví dụ: Cha, mẹ bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 đối với con chưa thành niên.

    Trường hợp “Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”

    Là trường hợp mà cha, mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của con.

    Ví dụ: Cha, mẹ bỏ mặc con chưa thành niên tự sinh sống, không có điều kiện để tự nuôi mình dẫn đến con có hành vi trộm cắp tài sản.

    Trường hợp “Phá tán tài sản của con”

    Là trường hợp mà cha, mẹ  mua, bán, tặng cho, hủy hoại hoặc hành vi khác làm thiệt hại đến tài sản của con mà không vì lợi ích của con.

    Trường hợp “Có lối sống đồi trụy”

    Là trường hợp cha, mẹ lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

    Ví dụ: Cha, mẹ thực hiện hoạt động mại dâm.

    Trường hợp “Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” 

    Là trường hợp mà cha, mẹ hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

    Ví dụ: xúi giục, ép buộc dẫn đến con bỏ học, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển trái phép chất ma túy.

    Bên cạnh hướng dẫn, làm rõ chi tiết các hành vi trong từng trường hợp là gì, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng hình thức hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên như sau:

    Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định về việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, cụ thể:

    - Không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

    - Không cho cha, mẹ quản lý tài sản của con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

    - Không cho cha, mẹ đại diện theo pháp luật cho con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

    Về việc Tòa án quyết định rút ngắn thời hạn hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, Hội đồng thẩm phán hướng dẫn như sau:

    Trong trường hợp cha, mẹ đã thực hiện được một phần hai thời hạn theo quyết định của Tòa án và trong thời hạn này, cha, mẹ không thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP thì Tòa án xem xét quyết định rút ngắn thời gian hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

     
    359 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (19/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận