Sau khi thực hiện hành vi chém đứt lìa hai cánh tay của người vợ ở Đồng Nai, người chồng đã gọi cho người thân để đưa người vợ đi cấp cứu sau đó đến cơ quan công an để đầu thú.
Như vậy, hành vi đầu thú này có được coi là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt?
Đầu thú được hiểu là việc người đã biết mình phạm tội, bản thân người phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
"Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
...
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lí do giảm nhẹ trong bản án."
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì chỉ có tự thú mới được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đầu thú chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ theo quyết định của Tòa án.
Việc đánh giá đầu thú có được coi là tình tiết giảm nhẹ hay không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì đương nhiên được coi là tình tiết giảm nhẹ đối với tự thú. Khi một người phạm tội tự thú sẽ được hưởng các chính sách như sau:
1. Người phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng khi tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải…
2. Được xem xét miễn trách nhiệm hình sự khi người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người phạm tội tự thú được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi truy cứu trách nhiệm hình sự
4. Người phạm tội được xem xét áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án (thủ tục đơn giản hóa và đẩy nhanh tiến độ truy cứu trách nhiệm hình sự của người tự thú nhằm nhanh chóng xét xử và thi hành án)