- Theo quy định tại Điều 528 Bộ luật dân sự năm 2015 thì :
“Điều 528. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.”
Như vậy, trong trường hợp khi xe khách gặp tai nạn do lỗi của người điều khiển phương tiện gây ra làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của hành khách thì bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Khi hành khách ngồi trên xe nghĩa là giữa khách và chủ xe đã phát sinh quan hệ hợp đồng vận chuyển hành khách nên Hai bên có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại còn nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chủ xe trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, hành khách gặp nạn hoặc người đại diện của hành khách này có thể khởi kiện chủ xe ra TAND cấp huyện nơi chủ xe cư trú (hoặc có trụ sở) để được giải quyết.
Về các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”