Những kiến nghị, góp ý cho Dự thảo:
Về đối tượng miễn thời gian đào tạo nghề luật sư:
Khoản 4, Điều 13 Dự thảo liên quan đến người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định: “…Những người quy định tại Khoản 2, 3 và 4 của Điều này chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó”.
Theo quy định này, nếu vượt quá thời hạn 2 năm kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh theo quy định thì các đối tượng liên quan sẽ không được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư. Trường hợp này nên cân nhắc quy định về việc xem xét giảm thời gian đào tạo nghề luật sư cho các đối tượng quy định tại Khoản 2, 3 và 4 của Điều 13 Dự thảo nhưng không đáp ứng điều kiện về thời hạn (vượt quá 2 năm kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh theo quy định).
Về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 32 Dự thảo thì một trong những điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư: “Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập phải có ít nhất 3 năm liên tục làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư”.
Trong khi đó, một trong những trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 18 Dự thảo: “Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư”. Do vậy, quy định này mâu thuẫn với quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 32 Dự thảo. Chính vì vậy, nên bỏ trường hợp “Không thành lập, tham gia thành lập” tại Điểm h, Khoản 1, Điều 18 Dự thảo.
Chuyển đổi hình thức hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư:
Theo quy định pháp luật doanh nghiệp, việc chuyển đổi hình thức hoạt động của doanh nghiệp được áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mà không đề cập đến việc chuyển đổi hình thức hoạt động của loại hình công ty hợp danh. Do đó, Dự thảo cần cân nhắc lại quy định tại Khoản 2, Điều 45 về việc “công ty luật hợp danh được chuyển đổi giữa các hình thức tổ chức chức hành nghề theo quy định của Chính phủ”.
Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 70 Dự thảo về phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: “…Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được cử luật sư nước ngoài tư vấn pháp luật Việt Nam…”. Tuy nhiên, Điều 76 Luật Luật sư năm 2006 quy định: “…Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn về pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam…”. Vì vậy, Dự thảo nên điều chỉnh lại các quy định liên quan đến phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài cho phù hợp với Điều 76 Luật Luật sư năm 2006.
Quy định về thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư:
Điều 5 Thông tư17/2011/TT-BTP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư quy định: “…Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng cho cơ quan, tổ chức….” Qua thực tiễn cho thấy, quy định này đã tạo được sự linh hoạt, thuận lợi cho các tổ chức hành nghề luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định này vào Dự thảo.
Quy định về vốn điều lệ của công ty luật trách nhiệm hữu hạn:
Hiện nay, vấn đề vốn điều lệ và việc cập nhật vốn điều lệ vào Giấy đăng ký hoạt động của công ty luật trách nhiệm hữu hạn chưa được pháp luật về luật sư quy định. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 38 Luật Doanh nghiệp thì thành viên công ty luật trách nhiệm hữu hạn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Trong khi đó, Luật Luật sư năm 2006 chưa quy định về các giấy tờ để chứng minh cho việc góp vốn của các thành viên công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Do đó, đề nghị Dự thảo cần có quy định điều chỉnh về vốn điều lệ đối với loại hình công ty luật trách nhiệm hữu hạn.
Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài:
Theo quy định Điều 80 Luật Luật sư năm 2006, ngoài những trường hợp thay đổi nội dung Giấy phép thành lập cần phải có sự chấp thuận của Bộ Tư pháp thì tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài chỉ được thay đổi về trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong thực tế, phát sinh những trường hợp khác liên quan đến thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư như bổ sung, rút thành viên (công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh), thay đổi nhân sự… Chính vì vậy, Dự thảo cần nghiên cứu quy định thêm những trường hợp thay đổi nêu trên.
Quy định về chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài:
Hiện nay, quy định pháp luật về luật sư chưa quy định cụ thể về trường hợp chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Để có cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề luật sư, Dự thảo nên bổ sung quy định đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Tổng hợp vài ý kiến đóng góp khác:
Trích dẫn:Mở rộng quyền cho người tập sự
Trong quá trình đào tạo, các tổ chức đào tạo phải tạo môi trường thực tiễn để học viên tiếp xúc với các vụ việc, tình huống pháp lý xảy ra trên thực tế. Trước mắt, Bộ Tư pháp, các đoàn luật sư cũng cần sớm khảo sát tâm tư, nguyện vọng của những người đã và đang tập sự để đưa ra những chương trình đào tạo hợp lý, bổ ích, sát với thực tế.
Luật Luật sư cần quy định theo hướng mở rộng quyền cho người tập sự; cho phép người tập sự trực tiếp tham gia một số dịch vụ pháp lý để có cơ hội cọ xát với thực tiễn. Đồng thời cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hành nghề luật sư trong việc giám sát hoạt động của người tập sự để tránh trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng.
Cần quy định chặt chẽ chế độ giám sát, kiểm tra, báo cáo quá trình tập sự của người tập sự và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia quản lý, đào tạo, hướng dẫn. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức hành nghề luật sư nhận người vào tập sự hành nghề luật sư nhưng lại không tổ chức theo dõi, hướng dẫn họ tập sự.
Trích dẫn:Về đào tạo nghề Luật sư
Thứ nhất, nên giữ nguyên thời gian đào tạo luật sư là 6 tháng bởi việc quy định 12 tháng như dự thảo nhưng chưa có cơ sở để nâng cao chất lượng thì chưa thực sự cần thiết. Việc tăng thời gian đồng nghĩa với việc tăng học phí, sẽ gây khó khăn cho học viên, dẫn đến tình trạng thiếu luật sư khi hội nhập.
Thứ hai, hiện nay, việc chỉ giao cho Học viện tư pháp đào tạo luật sư cũng không hợp lý vì cơ sở đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu học. Điều này dễ tạo nên tiêu cực trong quá trình xét tuyển. Thực hiện theo đề án của Chính phủ về thành lập trung tâm đào tạo Luật sư, Luật Luật sư sửa đổi nên quy định thêm Liên đoàn Luật sư cũng có trách nhiệm đào tạo Luật sư.
Cuối cùng, để nâng cao chất lượng luật sư nên siết chặt trong thời gian tập sự 18 tháng.
(LG. Nguyễn Gia Nam)
Trích dẫn:Về Điều 13 của dự thảo có quy định:
”3. Đã là điều tra viên cao cấp, chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
4. Đã là điều tra viên, chấp hành viên, công chứng viên, thừa phát lại, thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật từ 5 năm trở lên”.
Nếu viết như vậy thì Điều tra viên của Công an, quân đội được hiểu là đối tượng được quy định trong này hay không là chưa rõ nên cần phải ghi rõ hơn. Ở mục 4 phải quy định rõ là điều tra viên trung cấp được bổ nhiệm từ 5 năm trở lên.
(Lê Hữu Sỹ)
Các bác trong cộng đồng Dân Luật, đặc biệt là các Luật sư có góp ý, nhận xét gì về Dự thảo xin mời đóng góp.
Cập nhật bởi ThanhLongLS ngày 28/04/2012 03:46:54 CH
Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là " Mọi thứ đều thay đổi"