Gói thầu mua sắm hàng hóa 100 triệu có bắt buộc phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng?

Chủ đề   RSS   
  • #609812 22/03/2024

    Gói thầu mua sắm hàng hóa 100 triệu có bắt buộc phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng?

    Nộp bảo lãnh trong đấu thầu là gì? Đối tượng áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu? Gói thầu mua sắm hàng hóa 100 triệu có bắt buộc phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng? Biện pháp bảo lãnh thực hiện hợp đồng thực hiện từ thời điểm nào, thời gian có hiệu lực?

    Nộp bảo lãnh trong đấu thầu là gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 quy định về việc Bảo đảm thực hiện hợp đồng như sau:

    Nhà thầu phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng:

    - Đặt cọc;

    - Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

    - Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

    Theo đó, việc nộp bảo lãnh trong đấu thầu là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định nêu trên.

    Đối tượng áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu?

    Căn cứ khoản 2 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 quy định Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp sau đây:

    - Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;

    - Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện hoặc hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng;

    - Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật này.

    Gói thầu mua sắm hàng hóa 100 triệu có bắt buộc phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng?

    Căn cứ khoản 2 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 quy định Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023.

    Mặt khác, tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 quy định:

    Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

    Như vậy, Gói thầu thầu thuộc dự toán mua sắm 100 triệu thuộc gói thầu có  hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 thì không bắt buộc phải ký kết bảo đảm thực hiện hợp đồng. 

    Biện pháp bảo lãnh thực hiện hợp đồng thực hiện từ thời điểm nào, thời gian có hiệu lực?

    Căn cứ khoản 3 Điều 68 Luật Đấu thầu 2023 quy định về việc Bảo đảm thực hiện hợp đồng như sau:

    Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

    Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng

    Như vậy, nếu phải thực hiện biện pháp bảo lãnh thực hiện hợp đồng thì việc bảo lãnh hợp đồng phải thực hiện trước hoặc ngay tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được tính theo quy định nêu trên.

     
    802 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận