Đây là tài liệu mình đọc dc
Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm về một cõi âm hay một thế giới gọi là âm phủ. Cõi âm là quan niệm của tín ngưỡng dân gian, là thế giới của người chết đối lập với thế giới người sống, cõi dương hay dương thế.
Tuy Phật giáo không nói về cõi âm nhưng trình bày một thế giới quan vô cùng rộng lớn đến độ “không thể nghĩ bàn”, gồm 3.000 Đại thiên thế giới và nhiều cõi sống khác biệt nhau. Trong hằng hà sa số thế giới ấy, loài người là một loại chúng sanh sống trong cõi Dục cùng với loài trời, A tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Ngoài cõi Dục còn có cõi Sắc và Vô sắc với vô số chủng loại chúng sanh cao thấp khác nhau. Đạo Phật không xem loài người là trung tâm của thế giới mà bình đẳng với mọi chúng sanh khác trong các cõi về phương diện giác ngộ, tuy mỗi loài có một thân phận và nghiệp lực cũng như phước báo riêng.
Ma hay người cõi âm theo quan niệm dân gian thường là những quỷ thần trong loài ngạ quỷ và loài A tu la (hung thần, có phước báo ngang với các loài cõi trời nhưng thường sân hận). Do các chúng sanh quỷ thần này có chút quyền năng (nghiệp thông) và có nhân duyên đặc biệt với một số người nên giao cảm được với người. Thân Trung ấm hay Trung hữu là thân trung gian trong giai đoạn chuyển tiếp từ khi chết cho đến lúc tái sanh. Tuổi thọ của một thân Trung ấm tối đa là 49 ngày, tùy theo nghiệp lực mà có sự khác biệt về thời gian thọ mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt (cực thiện hay cực ác) thì sau khi chết, thần thức sẽ sanh về cõi trời hay đọa vào địa ngục mà không thọ thân Trung ấm.
Về vấn đề cúng cô hồn, thực ra giáo điển Phật giáo không đề cập đến một cõi sống nào có tên là cô hồn cả. Cô hồn là cách gọi của dân gian, chỉ cho những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa, chính là những chúng sanh trong cõi ngạ quỷ (quỷ đói khát). Cúng cô hồn, theo quan điểm Phật giáo, là bố thí cho những chúng sanh “khuất mặt” đang đói khát. Người con Phật luôn phát tâm từ bi, thương xót mọi loài chúng sanh đồng thời nguyện tu tạo phước báo bằng cách bố thí và cúng dường. Vì thế, ngoài việc bố thí cho người nghèo khổ, súc sanh đói khát thì hàng Phật tử được khuyến khích bố thí cho loài “khuất mặt” cô hồn được no đủ, bớt đói khổ, nhằm tăng trưởng phước báo cho tự thân. Do vậy, nếu thực hành cúng thí cô hồn đúng pháp (lễ bạc nhưng tâm thành, tụng kinh, chú nguyện đầy đủ) thì được tăng phần phước báo; nếu không cúng cô hồn thì cũng chẳng sao vì bố thí là do tự tâm của mỗi người, không ai bắt buộc chúng ta bố thí cả.
Mặt khác, cô hồn cũng biết nhớ ơn và đền ơn, hộ trì những ai đã cho họ ăn uống đầy đủ đồng thời rất tức giận khi được mời đến mà không “ăn” được, vì sơ suất của người cúng. Do vậy, dù là bố thí (cúng) cho cô hồn song cần nghiêm cẩn khi sắm sanh lễ phẩm, tâm bố thí phải thành kính, tôn trọng và nhất là cần phải chú nguyện (Kinh Tiểu Mông Sơn thí thực) để cô hồn có thể thọ dụng các vật phẩm thí thực.
Rằm tháng Bảy, ngày “xá tội vong nhân” nên ngoài cúng lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá vãng, mọi người thường thí thực cho cô hồn. Tuy vậy, thực chất của pháp thí thực cô hồn là bố thí, do vậy hàng Phật tử có thể thực hành pháp bố thí này bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải đợi đến rằm tháng Bảy.
bạn ketoana2 đọc tham khảo nhé