Chào anh/chị, về trường hợp của anh/chị, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.
Theo quy định tại Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành thì các công trình tôn giáo là công trình cấp III. Do đó, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình tôn giáo là UBND cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều 103 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Xây dựng do Văn phòng Quốc hội ban hành.
“Điều 103. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.”
Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với công trình tín ngưỡng, tôn giáo, khoản 3 Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định như sau:
“Điều 43. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây dựng mới
3. Đối với công trình tín ngưỡng, tôn giáo:
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo gồm các tài liệu như quy định tại khoản 1 Điều này và văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng gồm các tài liệu như quy định tại Điều 46 Nghị định này và ý kiến của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trường hợp pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo có quy định); báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng đối với các công trình tín ngưỡng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;
c) Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo thuộc dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b khoản này, phải bổ sung văn bản về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.”
Trên đây là quan điểm tư vấn của tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc. Nếu anh/chị còn vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với luật gia Giang Phương Thảo (số điện thoại 0345904024 hoặc email thaophuongtyl@gmail.com) hoặc để được giải đáp và tư vấn