Giấy mượn tiền có cần công chứng không? Mẫu giấy mượn tiền mới nhất

Chủ đề   RSS   
  • #611511 14/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Giấy mượn tiền có cần công chứng không? Mẫu giấy mượn tiền mới nhất

    Nếu mượn tiền và có ghi giấy mượn tiền thì giấy này có cần mang đi công chứng không? Không công chứng thì có giá trị pháp lý không? Mẫu giấy mượn tiền mới nhất 2024?

    Giấy mượn tiền có phải là hợp đồng vay tài sản không?

    - Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau:

    Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

    - Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 hình thức của giao dịch dân sự được quy định như sau:

    + Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

    Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

    + Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

    Theo đó, thì việc mượn tiền và có viết giấy ghi nhận được xem là một giao dịch dân sự, thể hiện bằng hình thức văn bản, là một hợp đồng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch vay tiền.

    Đồng thời, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay như sau:

    Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

    Như vậy, giấy mượn tiền là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy mượn tiền có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong giấy mượn tiền phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

    Giấy mượn tiền có cần công chứng không? 

    Theo như phân tích ở phần trên, giấy mượn tiền là hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản chỉ cần thỏa thuận của các bên, tức là bên cho mượn tiền bạn chỉ cần giao tiền cho bên mượn, khi đến hạn phải trả thì người mượn phải trả tiền đã mượn theo thỏa thuận của các bên. 

    Hợp đồng vay không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Do vậy, giấy mượn tiền không cần công chứng hoặc chứng thực thì vẫn có giá trị pháp lý.

    Tuy nhiên, để có thể chắc chắn được giấy mượn tiền có thể đảm bảo quyền lợi cho các bên nếu sau này giữa hai bên có tranh chấp phát sinh thì nên công chứng hoặc chứng thực giấy mượn tiền hoặc có người làm chứng.

    Xem và tải miễn phí mẫu giấy mượn tiền mới nhất: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/14/giay-vay-tien.docx 

    Mượn tiền không trả bị xử lý như thế nào?

    Nếu đến hạn theo thỏa thuận mà bên mượn tiền không thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền của mình thì bên cho mượn có quyền khởi kiện ra Toà án để yêu cầu người mượn tiền thực hiện nghĩa vụ.

    Theo Điều 429 Bộ Luật Dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

    Theo đó, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày hết hạn trả tiền mà người mượn tiền chưa trả thì người cho mượn có quyền khởi kiện.

    Đồng thời, nếu người mượn tiền có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:

    - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ Luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

    + Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Có tính chất chuyên nghiệp;

    + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    + Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    - Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

    - Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà người mượn tiền cố tình không trả sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc tịch thu tài sản.

     
    943 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (10/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận