Giấy ghi đề là gì? Tố giác ghi lô đề như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #608079 11/01/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1701 lần


    Giấy ghi đề là gì? Tố giác ghi lô đề như thế nào?

    Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, tình trạng đánh lô đề ngày càng tăng mạnh và khó kiểm soát. Theo đó, hành vi ghi lô đề sẽ bị xử lý như thế nào? Tố giác ra sao?

    (1) Giấy ghi đề là gì?

    Giấy ghi đề hay còn gọi là giấy ghi lô đề, giấy ghi số đề dùng để ghi lại việc mua số, trục lợi, ăn thua bằng tiền. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm của hành vi ghi lô số đề. 

    Tuy nhiên, tổ chức đánh bạc theo Điều 322 của Bộ luật hình sự năm 2015 được hiểu là hành vi chủ mưu rủ rê, tụ tập, lôi kéo người khác tham gia đánh bạc. 

    Như vậy, hành vi ghi lô đề cũng là việc mà một người tổ chức cho những người tham gia đánh đề, được coi như hành vi giúp sức của tội đánh bạc có thêm dấu hiệu trục lợi.

    Dựa vào bản chất có thể thấy, việc ghi lô đề là một hình thức của hành vi tổ chức đánh bạc.

    (2) Mức xử phạt cho hành vi ghi lô đề là gì?

    Xử phạt vi phạm hành chính

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP , người thực hiện một trong các hành vi tổ chức đánh đề sau đây bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng:

    - Làm chủ lô, đề;

    - Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

    - Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề.

    Người thực hiện hành vi nêu trên còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Theo đó, người thực hiện hành vi ghi lô đề còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc.

    Theo đó tại Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên.

    + Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên.

    + Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên.

    + Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc, phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc.

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc hành vi quy định về tội đánh bạc theo Điều 321 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    Ngoài ra, khi ghi lô đề mà phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    + Hành vi có tính chất chuyên nghiệp.

    + Đã thực hiện thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

    + Có sử dụng mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc phương tiện điện tử để phạm tội.

    + Tái phạm nguy hiểm.

    Người phạm tội khi bị truy tố về tội này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    (3) Tố giác vi phạm ghi lô đề như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cụ thể như sau:

    - Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

    - Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

    - Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

    - Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

    - Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

    Như vậy, cá nhân thực hiện quyền tố giác, tin báo về tội phạm có hành vi ghi lô đề có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản rõ ràng. Có thể trực tiếp đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc viện kiểm sát quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để tố giác. Có thể gửi đơn tố giác dưới hình thức nặc danh, không tiết lộ tên người viết.

    Tuy nhiên việc tố giác, báo tin về tội phạm phải trung thực, nếu sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    (4) Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác vi phạm

    Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

    - Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

    - Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

    - Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

    Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. 

    Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

    Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

    Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

    - Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

    - Khám nghiệm hiện trường;

    - Khám nghiệm tử thi;

    - Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

    Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

     
    3892 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (29/02/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận