Trước tiên ta hãy cùng đi qua quy định của pháp luật như thế nào về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên nhiều người.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hay chúng ta thường gọi bằng cái tên quen thuộc là “sổ đỏ”, nay được thay thế bằng “sổ hồng”, là giấy thể hiện được thông tin của người sở hữu đối với miếng đất, nhà trên đất và tài sản gắn liền với đất (Căn cứ theo Khoản 16, Điều 2, Luật Đất đai 2013)
Trong trường hợp mình với một số bạn nữa cùng mua một miếng đất lớn thì sẽ cùng nhau đứng tên trên giấy chứng nhận. Nội dung này được quy định tại Khoản 2, Điều 98, Luật Đất đai 2013. Theo đó trong trường hợp cùng nhau mua thì trên Giấy chứng nhận sử dụng đất đó phải thể hiện đầy đủ thông tin của những người đồng sở hữu, những người cùng mua có thể chọn một trong hai phương án hoặc mỗi người nhận một bản Giấy chứng nhận hoặc cử ra một người làm đại diện thì Giấy chứng nhận sẽ chỉ có một bản và được trao cho người đó.
Vậy quy định này mang lại cho chúng ta lợi ích gì và chúng ta cần phải cẩn thận điều gì.
Đây là một quy định rất hữu ích khi ta thấy một miếng đất đẹp nhưng khả năng tài chính lại không đủ. Bên cạnh nhà bạn có một miếng đất bán giá 800 triệu, nhưng trong tay của bạn lại chỉ có 400 triệu. Ngoài giải pháp vay ngân hàng để mỗi tháng phải thắt lưng buộc bụng đề trả tiền lãi ngân hàng thì còn giải pháp nào khác hay không? Khi đó nảy ra ý tưởng rủ một người nữa mua cùng. Nhưng phải làm thế nào nếu trên sổ chỉ đứng tên 1 người, lỡ tranh chấp xảy ra thì sao? Quy định này sẽ giải quyết vấn đề đó. Trong trường hợp bạn mua cùng với người khác, lúc ra công chứng thì chúng ta chỉ cần nói mua miếng đất này cùng với người khác thì Phòng Công chứng (hoặc Văn phòng Công chứng) sẽ hỗ trợ các thủ tục cần thiết. Và sau đó thì khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp thì sẽ có tên của hai người. Lúc đó nếu cần mua bán sẽ cần chữ ký của cả hai người, như vậy thì sẽ đỡ rủi ro hơn trong việc để cho 1 người đứng tên.
Tuy nhiên, với quy định này ta cũng gặp khó khi bán lại nếu người mua còn lại không cùng ý chí với chúng ta. Cũng với miếng đất trên, bạn thấy lợi nhuận sau một năm đã đủ nhiều và muốn bán lại để tiền dùng vào chuyện khác. Trong trường hợp này nếu người mua còn lại không đồng ý thì ta không thể bán lại miếng đất được.
Hay một số trường hợp như hiện nay 5 nhà đầu tư sẽ mua chung một miếng đất với diện tích là 300m2 và sau đó dự định sau sẽ tách ra mỗi người một cuốn sổ. Nhưng không may lại có sự điều chỉnh của pháp luật, tăng diện tích tối thiểu để tách thửa lên 80m2 và thế là với 320m2 không thể tách ra làm 5 cuốn sổ cho 5 nhà đầu tư. Khi đó người muốn bán vì thấy lợi nhuận đã đủ và đang cần tiền, người thì lại không cần tiền và đợi nó tiếp tục tăng, không giải quyết được tình huống đó, mâu thuẫn tranh chấp xảy ra là điều hiển nhiên.
Do đó bản thân tôi cũng đúc kết được rằng nếu chúng ta muốn mua đất và đứng tên cùng với nhiều người, trước tiên cần làm rõ một số điều như mua để làm gì. Nếu để ở, thì ranh giới của mỗi người như thế nào. Nếu để đầu tư thì lợi nhuận bao nhiêu là đủ và thời gian để đạt được lợi nhuận đó là bao lâu. Nếu đến thời gian đó đạt được lợi nhuận đó thì cả hai bên sẽ thống nhất là bán và lợi nhuận được chia như thế nào trong trường hợp mà mọi người không góp đồng đều.
Với mỗi quy định của pháp luật chúng ta cần vận dụng một cách hợp lý nếu không muốn tranh chấp xảy ra. Với bản thân tôi đây vẫn là một quy định có lợi cho người dân, nhưng chúng ta cần phải có một sự rõ ràng trong trường hợp sử dụng nó.
Sự rõ ràng luôn là cần thiết nếu không muốn tranh chấp xảy ra.
Cập nhật bởi nguyenducphong_123456 ngày 30/11/2018 05:25:22 CH
Chỉnh sửa sai lỗi chính