Ngày 21/6/2024 vừa qua, dự thảo thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học được công bố để lấy ý kiến của người dân. Nổi bật hơn hẳn là vấn đề các giáo viên nữ được nghỉ bù hè khi hưởng thai sản. Cụ thể như thế nào, hãy cùng nhau tìm hiểu.
1. Thời gian hưởng chế độ thai sản của giáo viên nữ hiện nay như thế nào?
Căn cứ khoản 7 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
- Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo đó, điểm đáng lưu ý của chế độ thai sản hiện nay là thời gian hưởng bảo hiểm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Do đó, nếu nghỉ thai sản vào khoảng thời gian nghỉ hè hằng năm thì sẽ không được bù các ngày nghỉ trùng.
2. Đề xuất giáo viên nữ được nghỉ bù hè khi hưởng thai sản tại Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc với giáo viên phổ thông
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định thời gian nghỉ của giáo viên như sau:
- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;
- Thời gian nghỉ thai sản theo quy định.
+ Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè hằng năm mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động thì giáo viên được bố trí nghỉ thêm một số ngày đảm bảo tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động;
+ Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù. Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù;
- Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ của giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định, đảm bảo khung thời gian năm học.
Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ hè của của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Như vậy, theo dự thảo mới có thể hiểu, hằng năm giáo viên phổ thông, dự bị đại học mặc định có 08 tuần nghỉ hè. Nếu trong khoảng thời gian nghỉ hè trùng thời gian nghỉ thai sản mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm thì sẽ được bố trí nghỉ thêm một số ngày để đảm bảo tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm.
Tổng kết lại, đề xuất trên được xem là hợp lý, vì việc nghỉ thai sản và nghỉ hè của giáo viên là quyền lợi chính đáng của họ, việc đảm bảo được nghỉ đủ các chế độ nghỉ khác nhau không đơn thuần bảo vệ quyền lợi mà cho thấy rằng nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ và có những thay đổi cần thiết để giúp pháp luật ngày càng phát triển.
Bài được viết theo dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc với giáo viên phổ thông (dự thảo 2): Tải về