Khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau: khi quyết định cho người bị án được hưởng án treo là người đang làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức mà vẫn tiếp tục làm việc thì Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, đồng thời Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên và địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.
Trường hợp cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo thuộc lực lượng quân đội nhân dân thì trong phần quyết định của bản án phải ghi tên của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.
Trường hợp người bị kết án mà được hưởng án treo không phải là người đang làm việc hay học tập tại một cơ quan, tổ chức nào thì Tòa án giao người được hưởng án treo ho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên Ủy ban nhân dân cấp xã; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao giám sát, giáo dục.
Vấn đề này có ý nghĩa thiết thực, nhằm đảm bảo trách nhiệm của xã hội với quá trình giúp đỡ người bị án treo tự giáo dục, cải tạo, tránh nguy cơ họ tái phạm.
Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo được quy định tại Điều 86 Luật thi hành án hình sự 2019. Tuy nhiên trong việc giám sát, giáo dục người bị án treo, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Bởi gia đình là nơi sinh hoạt hàng ngày của người của người bị án treo. Vì vậy, Khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định, gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.