Trường hợp người lao động bị đột quỵ trong quá trình làm việc có được giám định suy giảm khả năng lao động để hưởng các chế độ của BHXH và hồ sơ giám định như thế nào?
Các trường hợp thực hiện giám định mức độ suy giảm khả năng lao động
Theo quy định tại Điều 47 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì các trường hợp thực hiện giám định suy giảm khả năng lao động để hưởng các chế độ của BHXH bao gồm:
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định suy giảm khả năng lao động trong trường hợp:
- Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe
- Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định
- Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị
Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp
- Bị tai nạn lao động nhiều lần
- Bị nhiều bệnh nghề nghiệp
=>> Như vậy, về nguyên tắc để được giám định suy giảm khả năng lao động hưởng các chế độ của BHXH thì người lao động phải bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Bị đột quỵ có được giám định mức độ suy giảm khả năng lao động
- Danh mục các bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT theo đó đột quỵ không được xem là bệnh nghề nghiệp. Cho nên, sẽ loại trừ trường hợp được giám định suy giảm khả năng lao động do bị bệnh nghề nghiệp nêu trên.
Theo khoản 8 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Như vậy, nếu người lao động bị đột quỵ trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động thì sẽ được xem là tai nạn lao động. Tuy nhiên, nếu người lao động bị đột quỵ trong quá trình làm việc nhưng nguyên nhân gây ra đột quỵ cho người lao động không phải là do thực hiện công việc gây nên mà là do các bệnh lý có sẵn của người lao động thì trường hợp này sẽ không được xem là tai nạn lao động.
Do đó, nếu bị đột quỵ trong quá trình lao động mà nguyên nhân gây ra không phải do bệnh lý có sẵn thì sẽ được xem là tai nạn lao động. Sau khi bị đột quỵ mà người lao động đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe thì sẽ được tiến hành giám định suy giảm khả năng lao động để hưởng các chế độ của BHXH.
Hồ sơ giám định mức độ suy giảm khả năng lao động
Căn cứ Thông tư 56/2017/TT-BYT thì hồ sơ giám định mức độ suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động bao gồm:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này
- Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định
- Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực
=>> Như vậy, nếu bị đột quỵ được xem là tai nạn lao động thì người lao động chuẩn bị hồ sơ theo quy định nêu trên để thực hiện giám định mức độ suy giảm khả năng lao động để hưởng các chế độ của BHXH.