Câu hỏi: Giải quyết việc truy cứu TNHS với tội phạm nước ngoài tại Việt Nam
em là sinh viên luật năm nhất hiện tại em có một số khúc mắc muốn nhờ các luật sư tư vấn.
cụ thể là trường hợp sau:
Nghi ngờ vợ có con với H (người yêu cũ của vợ mình), H đã giết chết đứa con mà vợ mới sinh được 5 ngày tuổi. H bị Tòa án xử phạt 15 năm tù về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.
trong trường hợp naỳ có một số điểm em muôn giải đáp ạ:
. H là người Đài Loan sang Việt Nam lấy vợ thì vấn đề TNHS của H được giải quyết như thế nào?
.. Nếu trong quá trình điều tra xác định được H đang mắc bệnh tâm thần thì H có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?
xin chân thành cảm ơn
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn. Với các thông tin chung bạn đưa ra, chúng tôi xin có một số đề xuất, góp ý như sau:
-
Trách nhiệm hình sự của H- người nước ngoài sang Việt Nam
Bộ luật Hình sự 1999 quy định về hiệu lực của Luật với các đối tượng, chủ thể như sau:
Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Trong tình huống của bạn, anh H “sang Việt Nam lấy vợ”. Tuy nhiên, bạn không nêu rõ liệu anh H có thực hiện hành vi giết người trên lãnh thổ Việt Nam không.
- Nếu anh ta chỉ sang Việt Nam lấy vợ, nhưng lại thực hiện tội phạm ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì theo khoản 2 điều 6 Bộ luật Hình sự 1999:
Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Tức là, việc có áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp này không còn cần xác định khá nhiều vấn đề phức tạp: quốc tịch của anh H, các điều ước,...
-
Nếu anh H thực hiện hành vi tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam: anh chắc chắn phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp anh H được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao,... Khi đó, việc xác định trách nhiệm hình sự của anh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điều ước quốc tế,...), vì Bộ luật Hình sự Việt Nam có hiệu lực đối với mọi hành vi tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng cần nhấn mạnh, Bộ luật này điều chỉnh hành vi tội phạm, nên mọi chủ thể, không phân biệt quốc tịch đều phải chịu trách nhiệm hình sự điều chỉnh bởi bộ luật này. Trong trường hợp nêu trên, hành vi của anh đã cấu thành tội phạm giết người, cụ thể là giết trẻ em (do nạn nhân mới có 5 ngày tuổi), được quy định trong khoản c điều 93 Bộ luật hình sự Việt Nam:
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
c) Giết trẻ em;
-
Trách nhiệm hình sự của H nếu H được xác định đang mắc bệnh tâm thần
Nếu trong quá trình điều tra, xác định được H bị mắc bệnh tâm thần (tuy nhiên, cần có các bằng chứng rõ ràng, kết luận từ cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng giám định Pháp y) thì vấn đề này được giải quyết như sau:
Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trình tự và thủ tục bắt buộc chữa bệnh được quy định tại điều 43, 44, Bộ luật hình sự
Trong trường hợp này, mặc dù anh H thuộc diện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cần báo cho cơ quan công an để họ lập thủ tục bắt buộc chữa bệnh, đưa vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
Tóm lại, việc anh H có chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trong nhất là địa điểm thực hiện tội phạm trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp anh H được xác nhận mắc bệnh tâm thần, anh không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Nguyễn Thị Minh Hiếu | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 3.2899.888 - E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1- Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN
CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.