Dưới góc độ lý luận văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) phải tường minh, một nghĩa, áp dụng trực tiếp được. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng văn bản QPPL gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau. Cụ thể như sau:
1/ Văn bản hết hiệu lực thì những văn bản hướng dẫn nó còn hiệu lực hay không?
Tại Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004 có quy định “Văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân hết hiệu lực thi hành thì văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản đó cũng hết hiệu lực” nên nhiều người nhầm tưởng mọi văn bản QPPL hết hiệu lực thì những văn bản hướng dẫn nó sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng đối với văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Theo Điều 81 Luật ban hành văn bản QPPL 2008 thì văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
- Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
- Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
- Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bởi vậy, trường hợp Luật hết hiệu lực (đã có Luật mới thay thế) không đồng nghĩa văn bản hướng dẫn nó hết hiệu lực, mà chỉ những nội dung trái với Luật mới mới bị hết hiệu lực.
Ví dụ:
* Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 đã hết hiệu lực vào ngày 01/01/2006 nhưng Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế do Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành cho đến nay vẫn còn hiệu lực.
* Bộ luật Lao động 1994 đã hết hiệu lực vào ngày 01/05/2013 nhưng đến ngày 01/07/2013 Nghị định 44/2003/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 1994 mới hết hiệu lực. Thậm chí, nhiều Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động 1994 đến nay vẫn còn hiệu lực.
2/ Luật quy định cấm, Nghị định xử phạt chưa có hiệu lực – xử lý ra sao?
Đương cử, Luật Quảng cáo 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013 theo đó Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bị cấm.
Tuy nhiên, đến ngày 12/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định 158/2013/NĐ-CP Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định” và tới 01/01/2014 Nghị định này mới có hiệu lực. Vậy trong năm 2013 nếu cá nhân, tổ chức vi phạm quy định cấm của Luật sẽ bị xử lý như thế nào?
(Xem thêm tại đây)
3/ Nội dung văn bản không quy định ngày hiệu lực thì xác định ngày có hiệu lực như thế nào?
Luật ban hành văn bản QPPL 2008 quy định: “Thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.” Tuy nhiên, trên thực tế nhiều văn bản QPPL trong nội dung không quy định ngày hiệu lực.
Đương cử, trong nội dung Hiến pháp 2013 không quy định ngày hiệu lực mà phải “nhờ” đến Nghị quyết 64 chỉ định ngày hiệu lực của Hiến pháp 2013 là 01/01/2014. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 64 cũng không đề cập đến ngày hiệu lực của mình.
Vậy Nghị quyết 64 có hiệu lực vào ngày nào?
Nếu xác định sau bốn lăm ngày kể từ ngày ký ban hành thì ngày có hiệu lực của Nghị quyết 64 phải sau ngày 01/01/2014 nhưng nội dung Nghị quyết chỉ định Hiến pháp có hiệu lực 01/01/2014 thì rõ ràng xác định ngày hiệu lực của Nghị quyết 64 sau bốn mươi lăm ngày kể từ ngày ký ban hành là không phù hợp với thực tiễn.
Vậy là chúng ta phải xem Nghị quyết 64 là văn bản trong tình trạng khẩn cấp (theo điều 78 Luật ban hành văn bản QPPL 2008) nên có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành.
P/s: Đôi điều chia sẻ! Rất mong nhận được ý kiến góp ý từ thành viên.