Giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án ma túy

Chủ đề   RSS   
  • #536923 06/01/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án ma túy

    Ngày 16/12/2019, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4), VKSND tối cao ban hành Công văn số 464 /CV-V4 về việc trả lời những khó khăn, vướng mắc của VKSND địa phương. Trang tin điện tử VKSND tối cao xin tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và giải đáp của Vụ 4.

    1. Vấn đề thứ nhất: Hiện nay khi giải quyết các vụ án ma túy, các đối tượng cai nghiện bằng chất Methadone đã bớt và sau đó bán cho người khác, khi bị phát hiện, bắt giữ, tổ chức giám định thì kết luận giám định: “chất lỏng màu vàng gửi tới giám định là dung dịch Methadone có thể tích..., nồng độ Methadone là ...mg/ml”. Methadone là chất ma túy nằm trong Danh mục C của Nghị định 73. Vậy có cần giám định hàm lượng Methadone không hay truy tố, xét xử theo khối lượng ml đã thu giữ?

    * Trả lời: Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Methadone là chất ma túy, có số thứ tự 48 mục IIA-Danh mục II Nghị định số 73/2018/NĐ-CP  ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất. Như vậy, Methadone dưới dạng chất lỏng thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích.

    2. Vấn đề thứ hai: Đề nghị hướng dẫn thống nhất thực hiện ma túy ở thể rắn có nhiều chất hợp thành (Methamphetamine + MDMA + Ketamine hoặc Methamphetamine + MDMA + Methylphenidate) vì quy định của pháp luật hiện hành với ma túy ở thể rắn chỉ giám định khối lượng, không giám định hàm lượng; do đó trong quá trình yêu cầu giám định, phải yêu cầu cơ quan giám định khối lượng từng chất ma túy.

    * Trả lời: Theo quy định của pháp luật, chất ma túy ở thể rắn thì không phải giám định hàm lượng. Tuy nhiên, khi gặp trường hợp vật chứng thu giữ là chất ma túy ở thể rắn hợp thành từ nhiều chất ma túy ở thể rắn khác nhau thì yêu cầu Cơ quan điều tra xác định tỷ trọng của từng chất ma túy trong chất ma túy hợp thành để xác định khối lượng từng chất ma túy. Trên cơ sở đó, áp dụng tình tiết định khung: có hai chất ma túy trở lên... để xử lý tội phạm. Việc xác định khối lượng của từng chất ma túy trong chất ma túy hợp thành là bắt buộc vì có những trường hợp các chất ma túy thành phần không cùng quy định trong cùng một điểm của điều luật.

    Trong trường hợp cơ quan giám định không thể xác định được khối lượng từng chất ma túy thành phần thì vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

    3. Vấn đề thứ ba: Đề nghị hướng dẫn để thống nhất giải quyết những tranh chấp, xung đột trong định tội danh đối với trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích để bán nhưng không xác định được người mua là cần thiết để phục vụ tốt hơn trong công tác xét xử các tội phạm về ma túy.

    * Trả lời: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đưa ra phần giả định rất rõ ràng trong các điều luật. Cụ thể đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định: “Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy…”. Như vậy, việc xác định tội danh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội, nếu người phạm tội khai tàng trữ nhằm mục đích mua bán, tuy nhiên chưa kịp thực hiện đã bị phát hiện bắt giữ (chưa bán được cho ai) thì phải xử lý về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, không xử lý về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải củng cố chặt chẽ tài liệu, chứng cứ không để bị can phản cung thay đổi lời khai ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Thực tế, việc bị can, bị cáo thay đổi lời khai từ nhằm để bán sang nhằm sử dụng cá nhân chỉ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng đối với trường hợp lượng ma túy thu giữ được nhỏ (vài gram hoặc vài chục gram), nếu khối lượng ma túy thu giữ được rất lớn (từ kilogram Heroin hoặc Methamphetamine trở lên), mặc dù không xác định được người mua, bị can có thay đổi lời khai so với ban đầu từ “nhằm” mục đích mua bán sang “nhằm” mục đích tàng trữ để sử dụng thì không chấp nhận.

    4. Vấn đề thứ tư: Đề nghị VKSND tối cao phối hợp liên ngành Tư pháp Trung ương có quan điểm thống nhất, hướng dẫn việc giải quyết án ma túy trên cơ sở Bộ luật Hình sự năm 2015, thay thế Nghị quyết số 01/2001/HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và các Thông tư số 17 và Thông tư số 08.

    * Trả lời: Thực tế hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành với nhiều quy định mới hoặc nội dung sửa đổi căn bản trong khi chưa có văn bản giải thích pháp luật hoặc hướng dẫn thực hiện. Các văn bản hướng dẫn cũ không còn phù hợp về hình thức vì đối tượng hướng dẫn của các văn bản này (Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003) đã hết hiệu lực thi hành dẫn đến thiếu thống nhất giữa các ngành, các cấp trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ án. Trong khi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao mới có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn luật về nội dung; trong thực tiễn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hiếm khi thực hiện giải thích luật, còn Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có ban hành Nghị quyết hướng dẫn, giải thích nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực tội phạm về ma tuý.

    Do vậy, về nội dung này VKSND tối cao sẽ tổng hợp các khó khăn vướng mắc gặp phải để kiến nghị với Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nghiên cứu ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 01/2001/HĐTP ngày 15/3/2001. Đề nghị VKSND địa phương gửi những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn về VKSND tối cao (Vụ 4) để tổng hợp văn bản chung, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    5. Vấn đề thứ năm: Hiện đang vướng mắc về thành phần mở niêm phong vật chứng là ma túy.

    * Trả lời: Đề nghị nghiên cứu các quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng. Đối với các vụ án về ma túy cần tuân thủ các quy định nêu trên về thành phần mở niêm phong vật chứng là ma túy.

    Nguồn: VKSND tối cao

    Cập nhật bởi lamkylaw ngày 06/01/2020 08:41:22 SA
     
    15187 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận