Mình tin chắc rằng có nhiều bạn đã từng khốn đốn vì thiếu tiền lẻ. Phải, tiền lẻ trong nhiều trường hợp có giá trị hơn tiền chẵn nhiều. Nhưng chúng ta nhiều lúc đâu nhận ra điều đó cho đến khi không còn một tờ tiền lẻ nào trong ví.
Phân biệt "tiền lẻ" và "tiền chẵn"
Hai khái niệm này trông vậy mà cũng khó phân biệt, nhiều lúc chỉ mang tính chủ quan. Nhà nước đâu có quy định khái niệm "tiền lẻ" và "tiền chẵn". Theo mình nghĩ thì tiền mệnh giá dưới 10.000 đồng như 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng là tiền lẻ. Còn mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên là tiền chẵn.
Giá trị của "tiền lẻ"
Bạn mua vé xe buýt sinh viên giá 2.000 đồng bằng tờ tiền 100.000 đồng; bơm xe giá 2.000 đồng bằng tờ tiền 200.000 đồng; Ăn một tô phở giá 30.000 đồng bằng tờ tiền 500.000 đồng ngay buổi sáng sớm người ta mới mở quán;... Những lúc đó thì nhìn mặt người ta như muốn ăn tươi nuốt sống bạn luôn, nhiều khi còn bị chửi nữa. Bạn đi siêu thị, nhìn hóa đơn toàn số lẻ đến hàng đơn vị thì biết chắc là mình sẽ không được thối lại vài trăm đồng, mà nếu thối thì nhiều khi lại là 1 cục kẹo không đáng 100 đồng. Nghĩ thì chuyện chẳng có gì to tác, nhưng mà rơi vào tình cảnh đó mới thấy trong lòng khó chịu vô cùng.
Nếu tiền lẻ không có giá trị, người ta đã chẳng có dịch vụ “đổi tiền lẻ” mỗi dịp tết đến xuân về. Mặc dù dịch vụ này có thể bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP nhưng mà người ta vẫn cứ giao dịch tấp nập. Chứ các bạn có thấy ai mở dịch vụ “đổi tiền chẵn” đâu.
Ở bên Nhật, người ta cẩn thận đến từng con số lẻ: 398 yên là 398 yên chứ không phải 400 yên. Vì thế mà ở đó họ vẫn còn lưu hành đồng xu 1, 5, 10, 100, 500 yên trong khi tiền giấy có mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 yên. Đồng 1 yên ở đó dù nhỏ bé mấy vẫn rất quan trọng trong nền kinh tế Nhật.
Kinh tế Việt Nam mình vẫn còn thua Nhật rất nhiều. Nhưng việc thanh toán nhiều khi lại không chú ý đến những đồng tiền lẻ. Ở Việt Nam mình có một quan niệm: “Bỏ 50.000 đồng mua trà sữa được nhưng lại giành nhau 1.000 đồng với ông giữ xe”. Quan niệm này có người coi là phóng khoáng, có người lại coi là phung phí. Việc chắt chiu, tính toán từng đồng tiền lẻ có người cho là tiết kiệm, có người cho là keo kiệt. Dù sao thì nếu tiền lẻ không quan trọng thì cánh tài xế cũng không phải chạy đôn chạy đáo đi đổi tiền lẻ để qua BOT đâu.