Chiều hôm qua 05/03/2015, Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện.
Theo đó, sẽ điều chỉnh tăng 7,5% giá điện từ 16/03/2015. Sau khi có thông báo chính thức này, đã có bình luận xoay quanh lý do tăng giá điện:
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nếu EVN thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế sẽ bớt lỗ và như vậy giá điện chính thức sẽ ít bị tăng biến động.
Giá điện chính thức được điều chỉnh 7,5% nhằm đảm bảo các yêu cầu Tập đoàn Điện lực EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
EVN hiện là nơi cung cấp điện độc quyền tại nước ta. Nắm được vị thế độc quyền nên giá cả sẽ không có mức cạnh tranh để đem đến quyền lợi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng sử dụng điện như một nhu cầu thiết yếu và không có sự lựa chọn, giá cả tăng thì chỉ biết than trời…?!
Giả sử một điều rằng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không do tác động khách quan bên ngoài, mà chỉ do tác nhân bên trong đó là do không giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế...Nguyên nhân chính là do hệ thống quản lý nội bộ chưa thực sự hiệu quả, do nhân sự chưa làm việc đạt năng suất theo yêu cầu. Kết quả lỗ của doanh nghiệp là kéo theo giá bán phải tăng để bù lỗ. Kết quả làm ăn thua lỗ không phải doanh nghiệp gánh chịu mà chính là người tiêu dùng mà thực tế là người dân.
Hơn nữa, giá điện tăng kéo theo nhiều hệ quả trong đó còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị đổ vỡ. Điển hình:
- Về phía doanh nghiệp xi măng, ông Nguyễn Tùng Châu, Phó tổng giám đốc Công ty Xi măng Cẩm Phả cho biết, giá điện đang chiếm 15% giá bán, chi phí giá điện tăng tất nhiên xi măng sẽ phải tăng giá tương ứng tuy nhiên thị trường khó chấp nhận và doanh nghiệp càng lao đao.
Ông Châu phân tích, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, mọi doanh nghiệp đều phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí để tồn tại, trong khi giá than, giá điện tăng mà các doanh nghiệp không tăng nổi giá bán do thị trường cung vượt cầu.
“Đối với ngành sản xuất xi măng mặc dù giá bán trong nước đang thấp hơn giá khu vực và trên thế giới rất xa nhưng vẫn khó khăn về khâu tiêu thụ. Để tồn tại, trong ngành xi măng đã cạnh tranh quyết liệt với nhau cách tăng chi phí bán hàng, giảm giá bán.. thậm chí chấp nhận lỗ. Nhiều cơ sở tư nhân và các cơ sở dây chuyền công nghệ lạc hậu đành phá sản”, ông Châu thông tin.
- Về ngành thép, trong tổng công suất 10 triệu tấn thép/năm thì có 70%-80% phôi thép được sản xuất bằng điện. Theo thống kê, 1 tấn phôi được sản xuất ra tốn 400-500 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ cảm ứng. Như vậy, việc giá điện tăng ở mức 7,5% thì sẽ phải tốn thêm 30-45 KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép.
Tăng giá điện là nguy cơ lớn đối với ngành thép. Giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật và Trung Quốc, đang rất thấp. Chưa tăng giá điện doanh nghiệp thép trong nước đã chết. Không kể đến những lò sản xuất bằng công nghệ thấp, ngay cả các lò sử dụng công nghệ ở mức trung bình cũng sẽ chết”, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết.
Nguồn: BizLIVE.vn