Hiện nay các cơ quan chức năng đang gặp lúng túng khi xử phạt hành chính người giả danh luật sư. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 60 ngày 23-7-2009 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp) thiếu chế tài đối với các trường hợp này...
Vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa phối hợp với đoàn luật sư tỉnh cùng một số cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất Văn phòng luật sư Văn Trường và Văn phòng luật sư Tam Đình ở phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa).
Mở văn phòng luật sư giả
Qua kiểm tra, hai văn phòng luật sư nói trên đều không đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa. Các cá nhân đứng ra mở văn phòng cũng đều không có chứng chỉ hành nghề luật sư cũng như thẻ luật sư. Họ thừa nhận và cam kết chấm dứt hành vi vi phạm. Ngay sau đó, họ đã đóng cửa trụ sở, tháo dỡ bảng hiệu và ngừng mọi hoạt động nên cơ quan chức năng không tiếp tục truy cứu trách nhiệm nữa.
Không chỉ có việc mở văn phòng luật sư giả như trên, thời gian qua, trong xã hội ta đã xuất hiện không ít trường hợp cá nhân giả danh luật sư để người dân tin tưởng nhờ tư vấn pháp luật, nhờ nhận ủy quyền tham gia tố tụng nhằm hưởng thù lao. Sau khi người dân phát hiện ra chân tướng thì hai bên phát sinh tranh chấp. Nhiều vụ kiện tụng luật sư giả đã diễn ra, thậm chí có trường hợp người giả danh còn bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cơ quan chức năng có đủ chứng cứ.
Vướng khi xử lý hành chính cá nhân
Theo Điều 92 Luật Luật sư, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Dù luật đã quy định các hình thức xử lý như trên nhưng trên thực tế, cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc xử phạt hành chính cá nhân giả danh luật sư vi phạm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có chuyện này bởi Nghị định 60 ngày 23-7-2009 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp) chỉ quy định rõ chế tài đối với tổ chức vi phạm. Riêng đối với cá nhân, nghị định chỉ có điểm l khoản 4 Điều 24 quy định phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào. Khổ nỗi tên của Điều 24 lại là “hành vi vi phạm quy định trong hoạt động hành nghề của luật sư”, mặt khác các hành vi vi phạm trong điều luật lại dành cho chủ thể là luật sư. Vì vậy, nhiều người cho rằng không thể áp dụng Điều 24 đối với người giả mạo luật sư để xử phạt được.
Đây cũng là quan điểm của Thanh tra Bộ Tư pháp khi trao đổi nghiệp vụ với Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang trong một vụ tương tự. Cụ thể, đầu năm 2010, bà TTTM đã yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang xử lý hành vi của ông NVT với lý do ông T. “không phải là luật sư nhưng đã ký hợp đồng tranh tụng” với bà để giúp bà đòi nợ. Tháng 6-2010, Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang đã gửi công văn xin ý kiến Thanh tra Bộ Tư pháp về hướng xử lý ông T. Nghiên cứu, Thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng không thể xử phạt hành chính ông T. theo điểm l khoản 4 Điều 24 Nghị định 60 vì ông T. không phải là luật sư.
Như vậy, phải chăng Nghị định 60 đã có lỗ hổng là thiếu chế tài đối với cá nhân giả mạo luật sư hành nghề luật sư bất hợp pháp? Qua diễn đàn của Pháp Luật TP.HCM, rất mong nhận được ý kiến luận bàn của bạn đọc và các chuyên gia về chuyện này.
Ms Ngan,
Mail: sally.hcmlaw@gmail.com
H/P: 0948 899 067
Skype/Yahoo/Twitter: nganle89
-----------