Chào các bạn!
Hôm nay mới đọc topic này, thấy một số câu hỏi của bạn cunc0n206 chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, nên tôi xin trả lời bổ sung như sau:
1/ Về lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Như bạn cunc0n206 trình bày, kết quả điều tra cho thấy tại thời điểm va chạm thì khi va chạm thì bạn của bạn (tạm gọi là A) trong khi hoảng loạn đã điều khiển xe chạy lệch sang lề bên kia 50cm. Nếu việc bạn trình bày như trên là đúng thì trường hợp này không cần phải có hồ sơ vụ án cũng đã xác định được ai là người có lỗi trong vụ án này. Cụ thể A là người hoàn toàn có lỗi, bởi vì A đã điều khiển xe đi vào phần đường dành cho xe ngược chiều (vi phạm Điều 17 Luật giao thông đường bộ). Chính hành vi này mới là nguyên nhân xảy ra tai nạn và gây thiệt hại cho phía bên kia. Còn chủ tay lái bên kia có men rượu và nồng độ cao nhưng họ vẫn đi đúng phần đường của mình thì họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại (vì không có mối quan hệ nhân quả). Việc họ điều khiển xe khi trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn chỉ là lỗi vi phạm hành chính chứ không phải là yêu tố lỗi để xác định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
Vì vậy kết luận là A phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
2/ Về phạm vi bồi thường thiệt hại:
A phải chịu trách nhiệm bồi thường cho phía bị hại tất cả những thiệt hại quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 210 BLDS mà bạn KhacDuy25 đã trích dẫn ở trên.
Riêng thiệt hại quy định tại điểm c khoản 1 Điều 210 BLDS (tiền cấp dưỡng) thì do cả 3 người con của vợ chồng người bị hại đều đã trên 18 tuổi và có khả năng lao động nên A không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên nếu vợ chồng người bị hại còn có bố mẹ già (cả bố mẹ người chồng và bố mẹ người vợ) không có khả năng lao động thì A phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố mẹ tương ứng với nghĩa vụ của người chồng và người vợ phải thực hiện khi họ còn sống.
Còn cụ thể mức bồi thường như thế nào (phải bồi thường thêm bao nhiêu) thì diễn đàn không thể trả lời được. Mà nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra.
3/ Về những người có quyền làm đơn bãi nại:
Theo quy định của pháp luật, với một người chết thì tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của họ (gồm bố, mẹ, vợ/chồng, con) đều là những người có quyền lợi liên quan. Do đó chỉ những người này mới có quyền làm đơn bãi nại (trong trường hợp mà bạn nêu ra thì đó là bố mẹ của người chồng, bố mẹ của người vợ và 3 người con), còn người cậu không có quyền. Họ có thể cùng ký vào đơn bãi nại, hoặc cùng ủy quyền bằng văn bản cho 1 người trong số họ làm đơn bãi nại. Kể cả việc ủy quyền cho người cậu làm đơn bãi nại cũng không hợp pháp bởi vì đây là quyền gắn liền với nhân thân nên không được ủy quyền cho người không liên quan gì đến quyền đó.
Tuy nhiên cũng lưu ý là việc bãi nại này chỉ được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với A như bạn nguyenkhanhchinh đã nói ở trên, chứ không có ý nghĩa quyết định việc A có bị xử lý hình sự hay không. Tức là có đơn bãi nại hay không thì trong trường hợp này A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4/ Về trách nhiệm của bảo hiểm:
Do A có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nên doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên họ chỉ bồi thường ở mức thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm mà họ đã ký kết với A, chứ không phải là họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Ví dụ: A mua bảo hiểm với phạm vi trách nhiệm là 20tr đồng đối với một người chết. Trong trường hợp này A làm chết 2 người, thiệt hại toàn bộ là 140tr đồng thì Bảo hiểm chỉ bồi thường 40tr đồng, còn A phải bồi thường 100tr đồng.
5/ Trách nhiệm hình sự của A:
Với thiệt hại là hai người chết, tài sản không đáng kể thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 202 BLHS, có khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!