Thân chào bạn!
Theo thông tin bạn cung cấp, nếu đúng như bạn trình bày và phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ tai nạn thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng không phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho phía người bị hại, mà hai người đi ngược chiều trước đầu xe bạn phải bồi thường cho phía người bị hại.
Khi bạn đang lưu thông đúng đường, đúng tốc độ, có đầy đủ các giấy tờ xe, giấy phép lái xe. . . tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ khi lưu thông mà bất ngờ có hai người đi ngược chiều phía trước đầu xe bạn, trước tình thế cấp thiết có thể gây thiệt hại cho tính mạng 2 người đi ngược chiều, bạn đã dùng hành động "đánh lái tránh" nhằm tránh gây ra thiệt hại 2 tính mạng cho hai người này, buộc bạn phải đánh tay lái và theo quán tính xe va vào giải phân cách làm xe văng qua làn đường bên kia làm chết 1 người đã gây 1 thiệt hại nhỏ hơn (chết 1 người) thiệt hại có thể xảy ra (chết 2 người) nếu bạn không thể dùng mọi biện pháp.
Như vậy, trường hợp của bạn thuộc trường hợp tình thế cấp thiết.
Căn cứ Bộ luật hình sự hiện hành thì bạn không phạm tội:
Điều 16. Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2005, bạn không có nghĩa vụ phải bồi thường cho người bị hại, mà 2 người đã gây ra tình thế cấp thiết phải bồi thường cho người bị hại:
Điều 614. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
1. Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
3. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. ...
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
"Sông có thể cạn, núi có thể mòn_Song chân lý không bao giờ thay đổi"