Gameshow (chương trình thực tế) ngày càng trở nên phổ biến trên các kênh truyền hình lớn nhỏ của Việt Nam, đặc biệt là các chương trình có trẻ em tham gia như "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Vua đầu bếp nhí", "Biệt tài tí hon", "Thần tượng tương lai", "Thử tài siêu nhí"...
Việc tổ chức các chương trình không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, văn hóa mà còn đem lại cho các em nhỏ sân chơi giải trí, nơi thể hiện tài năng và cơ hội thực hiện ước mơ.
Một số bé sau khi tham gia chương trình thực tế thì được mời đi diễn, đóng phim, ca hát …Cha mẹ vì muốn con mình được phát triển theo mơ ước cũng chấp nhận cho những “ông bầu” dẫn dắt con mình vào “showbiz”.
Tuy nhiên, cùng với đó là vô số những hậu quả tiêu cực như các em phải ganh đua thắng thua với nhau, thời gian ghi hình trễ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, phải tạm gác chuyện học hành để tham gia ghi hình, một số bé còn bảo lưu kết quả học tập để tham gia nghệ thuật. Quan trọng hơn, các em nhỏ phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận vì nổi tiếng quá sớm. Và thực tế, có một số em nhỏ đã bị bóc lột sức lao động qua mức để đem lại lợi nhuận cho người lớn.
“7. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm Mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.”
Vậy theo mọi nguời, hành vi tổ chức gameshow trẻ em hay dẫn dắt trẻ em tham gia vào “showbiz” có phải là vi phạm pháp luật về quyền trẻ em không? Và có nên bỏ các game show này như Trung Quốc đã làm không?