Đối với những hành vi lạm dụng sức lao động của trẻ em, sử dụng trẻ em vào những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý và sự phát triển của trẻ em bị xử lý theo Điều 15 Nghị định 91/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2011, được quy định cụ thể như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1- 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cha, mẹ bắt con, người giám hộ bắt trẻ em mà mình giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em mà mình nuôi dưỡng làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép;
b) Người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
2. Phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng trẻ em làm những công việc trong cơ sở xoa bóp, vật lý trị liệu, sòng bạc, quán rượu, quán bia hoặc những nơi có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển nhân cách của trẻ em;
b) Để trẻ em tham gia, sử dụng trẻ em trong SXKD, phổ biến sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, kinh dị, nguy hiểm, không phù hợp hoặc có hại cho sự phát triển của trẻ em.
3. Phạt tiền từ 20- 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 3 điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cá nhân, tổ chức nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 điều này;
b) Buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 điều này;
c) Buộc tiêu hủy sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, kinh dị, nguy hiểm không phù hợp hoặc có hại cho sự phát triển của trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 điều này.
Có thể nói, nhiều năm qua, những nỗ lực này cũng đã góp phần đáng kể trong việc giảm dần hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương có nền kinh tế chậm phát triển hoặc khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều trẻ em vẫn phải chịu thiệt thòi thì tình trạng bị lạm dụng sức lao động cũng đang còn khá phổ biến.
Người đang làm, trời đang nhìn, pháp luật đang điều chỉnh