Mỗi chúng ta ai cũng mơ ước có được một gia đình trọn vẹn và hạnh phúc. Mặc dù hiện nay số lượng mẹ đơn thân vẫn nhiều nhưng hiện tượng "Gà trống nuôi con" không phải là không có. Vậy Gà trống nuôi con hiểu như thế nào và có ý nghĩa ra sao?
Gà trống nuôi con hiểu như thế nào?
Lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” là điều không ai muốn. Thế nhưng, vì hoàn cảnh bắt buộc, nhiều ông bố tưởng chừng như không kham nổi lại có thể đảm đương, chu toàn công việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái một cách thuần thục.
Theo giải nghĩa tại Từ điển Tiếng Việt thì:
Gà trống nuôi con là thành ngữ để chỉ người đàn ông không có vợ giúp đỡ và cùng lo lắng trong việc nuôi dạy con cái, phải một mình đảm nhiệm (thường là goá vợ hoặc vợ chồng bỏ nhau: Trong cảnh gà trống nuôi con người đàn ông phải lần hồi vất vả kiếm cái nuôi sống đứa con độc nhất đó.
Khi nói đến câu “gà trống nuôi con”, ai cũng hiểu đó là một hoàn cảnh đặc biệt và không khỏi thương cảm. Người cha phải nuôi con sau khi ly hôn hay rơi vào hoàn cảnh vợ mất. Lúc ấy người cha phải đảm đương luôn cả vai trò của người mẹ, bù đắp tình cảm đối với người con thân yêu của mình. Nói cách khác gà trống nuôi con để chỉ những người đàn ông vì các hoàn cảnh khác nhau mà phải đảm nhiệm trách nhiệm "vừa làm cha, vừa làm mẹ".
Thực tế cũng cho thấy, có những người cha khi ở hoàn cảnh “gà trống nuôi con” đã làm tròn trách nhiệm của mình một cách tuyệt vời.
Chăm sóc, dạy dỗ một đứa trẻ chưa khi nào là chuyện dễ dàng, huống chi là làm cha đơn thân. Trẻ luôn cần sự bảo vệ, động viên, hỗ trợ và tin tưởng từ người cha. Cần người cha dành thời gian để trò chuyện với con, đưa con đến trường, chơi đùa hoặc kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ. Những điều đó đòi hỏi người đàn ông phải có sự kiên nhẫn, chịu khó và tình yêu thương bao la với con cái.
Người cha trực tiếp nuôi con sau ly hôn có quyền, nghĩa vụ nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nội dung:
Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, người cha trực tiếp nuôi con sau ly hôn có quyền, nghĩa vụ sau đối với người không trực tiếp nuôi con:
(1) Quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cụ thể như sau:
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
(2) Quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
(3) Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, gà trống nuôi con hiểu đơn giản là những ông bố đơn thân, một mình vất vả trong việc nuôi con, thường do goá vợ. Gà trống nuôi con luôn nhận nhiều ánh mắt ái ngại từ những người xung quanh. Bởi những gà trống nuôi con gặp không ít khó khăn và khá nhiều thử thách trong hành trình của họ. Họ luôn phải tập sự kiên trì, nhẫn nại trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con. Họ là những người "vừa xây nhà" & "vừa xây tổ ấm".