Chào bạn, rất cảm ơn câu hỏi của bạn.
Về câu hỏi và những thông tin mà bạn đã cung cấp, tôi xin được đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về việc file ghi âm có được xem là bằng chứng hay không. Tôi xin trả lời bạn rằng: file ghi âm có thể được xem xét là bằng chứng.
Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về chứng cứ bao gồm:
“1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định bằng:
a) Vật chứng;
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
c) Kết luận giám định;
d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.”
Ở đây, chứng cứ có thể bao gồm vật chứng, lời khai, kết luận giám định, biên bản hoạt động điều tra xét xử hoặc tài liệu, đồ vật khác. File ghi âm có thể coi là “tài liệu, đồ vật khác”. Tuy nhiên, giá trị của nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. (cách khởi tạo, lưu trữ, truyền tin; cách bảo quản, cách xác định người khởi tạo cũng như nhiều yếu tố khác,...)
Thêm nữa, Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng có quy định về chứng cứ rõ ràng hơn như sau:
“Điều 82. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
2. Các vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Tập quán;
8. Kết quả định giá tài sản;
9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”
Theo BLTTDS 2015, chứng cứ có thể là “tài liệu nghe được”. Tức là theo bộ luật này, file ghi âm có thể coi là chứng cứ. Khoản 2 Điều 83 Bộ luật này cũng quy định thêm về việc xác định chứng cứ như sau: “Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.
Để file ghi âm được coi là chứng cứ thực sự chứ không phải chỉ là một nguồn để tham khảo, nó cần đáp ứng điều kiện theo như quy định tại Nghị quyết số 04/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Nghị quyết này đã có hướng dẫn rõ ràng về việc xác định chứng cứ nghe nhìn tại điểm b, khoản 2, Điều 3 như sau:
“b) Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.
Ví dụ 1: Trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Toà án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.
Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thoả thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Toà án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.”
Như vậy, pháp luật đã quy định khá rõ về điều kiện để file ghi âm trở thành chứng cứ. Nếu không đáp ứng được điều kiện nêu trên thì tòa không thể coi băng ghi âm là chứng cứ chứng minh để xác định sự thật khách quan của vụ án mà chỉ coi là tài liệu tham khảo.
Thứ hai, trường hợp của ba bạn, tôi góp ý như sau:
Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp thì ba của bạn đã có những lời lẽ chửi bới xúc phạm đối với mẹ bạn, còn đe dọa giết mẹ bạn, hành vi này là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác và được coi là làm nhục người khác. Tuy nhiên việc xử lý đối với hành vi này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Cụ thể:
- Xử phạt hành chính:
Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của ba bạn bị xử phạt hành chính, cụ thể:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"
Ở đây, bạn đã thông tin rằng ba của bạn dù đã cam kết tại phường nhưng khi về nhà vẫn tiếp tục chửi mắng, lăng mạ mẹ bạn cũng gia đình bạn, bạn có thể trình bày với Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan Công an nơi ba bạn đang cư trú để xử phạt hành chính đối với ba của bạn.
- Xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội làm nhục người khác thì:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Ba của bạn cũng có thể bị khép vào tội đe dọa giết người nếu có căn cứ cho rằng, mẹ bạn và gia đình bạn thực sự lo sợ điều đe dọa này có thể xảy ra trên thực tế theo như quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) như sau:
“Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Bạn có thể trình báo với Cơ quan Công an về trường hợp của ba mình để có hướng xử lý, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Trên đây chỉ là một vài góp ý của tôi về trường hợp của ba bạn. Nếu còn có thắc mắc hoặc mong muốn trao đổi thêm, hy vọng bạn sẽ phản hồi lại để có được những tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng!
Chuyên viên tư vấn: Trịnh Thủy Tiên
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.