Chào quanghung12!
Trước đây (vào tháng 9/2011) bạn từng lập một topic hỏi về việc bạn mang theo côn nhị khúc trong cốp xe máy bị cảnh sát cơ động phát hiện thì bạn có bị xử phạt gì không? Tôi đã trả lời bạn vì "côn nhị khúc" là vũ khí thô sơ theo quy định tại Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996) nên hành vi của bạn đã vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều 5 quy chế này và bị xử phạt hành chính theo điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định số73/2010/NĐ-CP.
Tuy nhiên đến nay Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có hiệu lực (từ 01/01/2012). Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh thì "côn nhị khúc" không còn được coi là vũ khí thô sơ nữa, nhưng "kiếm" thì vẫn là vũ khí thô sơ. Cụ thể:
"Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ".
Như vậy, kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì việc bạn mang theo côn nhị khúc ra đường không còn bị xử lý nữa, vì con nhị khúc không còn thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp lệnh này.
Điều 5 của Pháp lệnh quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó khoản 1 nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh (tức là vũ khí thô sơ). Khoản 12 quy định nghiêm cấm hành vi khác vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Hướng dẫn về việc sở hữu vũ khí thô sơ của cá nhân, Điều 14 Nghị định số25/2012/NĐ-CP quy định:
Điều 14. Sở hữu vũ khí thô sơ của cá nhân
Cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc.
Hướng dẫn quy định "Hành vi khác..." tại Điều 5 Pháp lệnh thì khoản 2 Điều 4 Nghị định số 25 quy định:
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
2. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 12 Điều 5 Pháp lệnh bao gồm:
a) Mang theo người, phương tiện, đồ vật, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ.
Như vậy, bạn chỉ có thể tàng trữ kiếm trong nhà với mục đích như quy định tại Điều 14 nói trên. Còn nếu bạn mang theo kiếm ra đường hoặc mua kiếm về cất dấu trong nhà thì bạn đã vi phạm quy định của pháp luật rồi, chứ chẳng cần phải bạn sử dụng nó để làm hại người khác.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!