Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo : Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng; các hành vi học sinh không được làm; khen thưởng kỷ luật như sau:
“Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng.......
e) Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;...."
Điều 41. Các hành vi học sinh không được làm
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.
3. Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.
4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
5. Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.
Điều 42. Khen thưởng và kỷ luật
1. Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:
a) Khen trước lớp, trước trường;
b) Khen thưởng cho học sinh tiên tiến, học sinh giỏi;
c) Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
d) Các hình thức khen thưởng khác.
2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
a) Phê bình trước lớp, trước trường;
b) Khiển trách và thông báo với gia đình;
c) Cảnh cáo ghi học bạ;
d) Buộc thôi học có thời hạn.”
Như vậy, học sinh đánh nhau đánh trong trường THPT dân tộc nội trú, với hành vi này là hành vi cấm, nói cách khác, hành vi này vi phạm nội quy của trường, lớp. Theo đó, hiệu trưởng có quyền xử lý kỉ luật đối với học sinh đánh nhau.
Theo thông tin bạn cung cấp, hiệu trưởng có tổ chức cho hai gia đình gặp nhau để bàn bạc, và gia đình họ hàng hai bên đến quá đông. Việc hiệu trưởng yêu cầu chỉ cho bố mẹ của 2 bên gặp nhau và yêu cầu những người khác ra ngoài là không vi phạm pháp luật. Vì nhà trường vẫn đảm người có người đại diện hợp pháp của hai học sinh, đối với họ hàng, họ không phải là người đại diện theo pháp luật cho các học sinh đó. Mặt khác, họ hàng đến quá đông sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình bàn bạc thỏa thuận của hai bên. Hiện chưa có quy định nào của pháp luật quy định việc không cho họ hàng đi cùng gia đình đến giải quyết vụ việc đánh nhau là vi phạm pháp luật. Do đó, trong tình huống này, hiệu trưởng không vi phạm pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 42 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT thì học sinh đánh nhau có thể bị: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ hoặc buộc thôi học có thời hạn. Việc áp dụng hình thức xử lý như thế nào phụ thuộc hành vi đánh bạn của học sinh kia. Do đó, bạn hoặc người đại diện gia đình bạn hoặc người bị đánh có thể kiến nghị, đề nghị bằng văn bản để lãnh đạo nhà trường xúc tiến xử lý hành vi vi phạm của học sinh đã đánh nhau kia, nếu lãnh đạo nhà trường không xử lý thì bạn có thể khiếu nại lên cấp phòng giáo dục hoặc sở giáo dục để được xử lý theo quy định.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;