Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và báo chí đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội thì các vấn đề tiêu cực của cán bộ, quan chức Nhà nước dễ dàng bị phát hiện và được dư luận biết đến nhiều hơn.
Giúp công chúng được biết đến sự thật là vai trò của các nhà báo. Và phản biện xã hội là một cách gây sức ép tích cực để cải thiện bộ máy Nhà nước theo hướng tốt hơn.
Tuy nhiên, theo cảm nhận cá nhân, mình cảm thấy không ít người coi việc chỉ trích quan chức Nhà nước là một trào lưu, là một cách để thể hiện sự hiểu biết của mình, là một cách để chứng tỏ bản thân. Chỉ trích mà không tìm hiểu kỹ càng sự việc, không đặt sự việc dưới góc nhìn đa chiều, và nguy hiểm hơn là chỉ trích vì….thấy người khác chỉ trích nên làm theo.
Mình không phủ nhận rằng quan chức Nhà nước còn nhiều vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Và cũng không viết bài này để bao che cho những điều đó.
Nhưng…
Mình rất tâm đắc với ý kiến của một vị Tiến sĩ (không tiện nêu tên) rằng tham nhũng không chỉ xảy ra ở quan chức Nhà nước mà nó xảy ra khắp nơi trong xã hội. Bất kể những gì người ta làm trái với pháp luật, trái với đạo đức để tư lợi cho bản thân mình đều là tham nhũng. Chiếm dụng lòng lề đường, vi phạm luật giao thông, chen ngang khi người khác xếp hàng và rất rất nhiều hành vi thiếu ý khác đều là tham nhũng, và cũng đều hướng đến mục đích là làm lợi cho bản thân hơn so với người khác.
Sẽ có người phản bác rằng “Ừ thì tôi có vượt đèn đỏ, nhưng đâu có gây nguy hiểm hay thiệt hại cho ai”. Vậy ông quan chức lạm dụng xe công cũng có thể nói rằng “Ừ thì tôi có mượn xe công đi một xíu, nhưng cũng đâu có thiệt hại cho Nhà nước bao nhiêu”. Và ông quan chức tham nhũng vài tỷ đồng cũng sẽ nói rằng “Ừ thì tôi có lấy một ít tiền của Nhà nước, nhưng cũng đâu có đáng bao nhiêu”.
Một người có hành vi vi phạm nhỏ và chỉ trích người vi phạm lớn là quan tham, thiếu đạo đức chẳng khác nào một thằng ăn trộm gà đang chửi bới thằng ăn trộm vàng. Liệu một người khi không có chức quyền đã bất chấp pháp luật để làm lợi cho mình thì mai này người đó có chức quyền, họ có thể đảm bảo mình trong sạch được không.
Vì vậy, đừng vội chỉ trích quan chức Nhà nước là thế này thế kia nếu bạn không phải là người thượng tôn pháp luật, vẫn đang xem nhẹ sự vi phạm pháp luật của mình, dù nhỏ hay lớn, vì về bản chất nó cũng chẳng khác gì hành vi của những quan chức mà bạn đang chỉ trích.