Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không?

Chủ đề   RSS   
  • #609382 14/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 29461
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 630 lần


    Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không?

    Sáng 13/03/2024, tại thành phố Vinh ghi nhận trường hợp dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe sau khi va chạm giao thông. Vậy trường hợp này bị xử phạt ra sao? Có bị phạt tù không? Làm người tài xế ô tô bị thương thì có phải bồi thường không?

    (1) Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông bị xử phạt thế nào?

    Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng với những hành vi như sau:

    Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Ngoài ra, cũng theo Điều 15, người vi phạm hành vi nêu trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (trục xuất với trường hợp vi phạm là người nước ngoài). Đồng thời, người vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm của mình.

    Như vậy, trường hợp dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông có thể xử phạt lên đến 05 triệu đồng, tịch thu tang vật/phương tiện vi phạm và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của kính xe.

    (2) Đập vỡ kính xe làm tài xế bị thương thì phải bồi thường như thế nào?

    Trường hợp sau khi xảy ra va chạm giao thông mà dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính làm người điều khiển xe ô tô bị thương thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

    “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: 

    a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

    …”

    Như vậy, việc dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính làm người điều khiển xe ô tô bị thương thì người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 08 triệu đồng. Đồng thời, còn buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm.

    (3) Dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô tô sau khi va chạm giao thông có bị phạt tù không?

    Căn cứ theo Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

    “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; 

    b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 

    đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”

    Theo đó, người có hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông có thể bị xử phạt từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên.

    Tổng kết lại, hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe ô tô sau khi xảy ra va chạm giao thông như trường hợp tại thành phố Vinh thời gian vừa qua. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 05 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của kính xe. Nếu hành vi này làm người lái xe bị thương thì bị xử phạt đến 08 triệu đồng đồng thời bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng mức phạt tù lên đến 03 năm.

     
    341 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (18/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận