Đừng bỏ qua 10 Luật này trong tháng 1/2019

Chủ đề   RSS   
  • #511028 28/12/2018

    BachHoLS
    Top 200
    Male
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/02/2016
    Tổng số bài viết (493)
    Số điểm: 18818
    Cảm ơn: 70
    Được cảm ơn 708 lần


    Đừng bỏ qua 10 Luật này trong tháng 1/2019

    Đừng bỏ qua 10 Luật này trong tháng 1/2019

    Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2018 và bước sang năm 2019, rất nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 1 năm 2019, dưới đây mình đã lập topic tổng hợp qua về các luật có hiệu lực trong tháng tới.

    1. Doanh nghiệp ngoài nước phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

    Đây là quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực từ 01/01/2019

    Theo đó:

    Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

    - Xác định 5 tình huống nguy hiểm về an ninh mạng bao gồm:

    a) Xuất hiện thông tin kích động trên không gian mạng có nguy cơ xảy ra bạo loạn, phá rối an ninh, khủng bố;

    b) Tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;

    c) Tấn công nhiều hệ thống thông tin trên quy mô lớn, cường độ cao;

    d) Tấn công mạng nhằm phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia;

    đ) Tấn công mạng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    >>> Click vào đây, bạn sẽ hiểu về luật An ninh mạng

    >>> Toàn văn điểm nổi bật về Luật an ninh mạng

     

    2. 7 hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch

    Đây là nội dung quy định Khoản 1, Điều 38, Luật Quy hoạch 2017, toàn bộ thông tin về quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch

    1. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

    2. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

    3. Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.

    4. Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.

    5. Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.

    6. Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.

    7. Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.

    Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2018

    3. Trình tự và thời gian giải quyết tố cáo được rút gọn

    >>> Toàn văn điểm mới Luật Tố cáo 2018

    Giảm quy định về thời hạn giải quyết tố cáo

    - Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

    Quy định hiện hành: 60 ngày

    - Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Quy định hiện hành: Không có nội dung này

    Luật Tố cáo 2018, có hiệu lực 01/01/2019 thay thế Luật tố cáo 2011

     

    4. Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng

    >>> Toàn văn điểm mới Luật Quốc phòng 2018

    Là hành vi bị nghiêm cấm trong trong lĩnh vực quốc phòng quy định tại Khoản 6, Điều 6, Luật Quốc phòng 2018.

    Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng (tại điểm e khoản 2 Điều 7, điểm c khoảng 2 Điều 8, điểm đ khoản 2 Điều 9) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng kịp thời sự phát triển của xã hội.

    Bổ sung thêm một số chính sách từ Nhà nước:

    + Phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    + Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng chiến lược, trọng điểm, địa bàn xung yếu về quốc phòng.

    Được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 08/6/2018 với 88,3% đại biểu tán thành. Sau đây mình sẽ đi sâu phân tích toàn bộ những điểm mới nổi bật của Luật Quốc phòng 2018 so vơi Luật quốc phòng 2005

    Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thay thế Luật Quốc phòng 2005

     

    5. Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp

    Nếu theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 mới chỉ dừng ở mức “Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận đất phát triển rừng ở những vùng đất trống, đồi núi trọc” (Khoản 4 – Điều 10) thì đến Luật Lâm nghiệp 2017 đã khẳng định với nội dung trên cùng với việc được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.

    Và còn rất nhiều nội dung mới khác như:

    + Nếu như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chỉ xác định quyền của Nhà nước đối với rừng. Chủ rừng chỉ có quyền sử dụng, sở hữu rừng khi được Nhà nước trao và công nhận thì Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định hai nhóm hình thức sở hữu rừng là: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Theo đó, rừng trồng sản xuất được đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, ai là người đầu tư thì sẽ là chủ sở hữu của rừng.

    Việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.

    + Quy định nghiêm ngặt hơn về việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (Điều 27), việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện khi “được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đến Luật Lâm nghiệp 2017 (Khoản 2 – Điều 14) khẳng định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”.

    Quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nhằm mục đích phát huy giá trị của từng loại rừng, đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

    + Quy định về chế biến và thương mại lâm sản

    Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến và các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.

    Ngoài những điểm nêu trên, Luật Lâm nghiệp 2017 còn có một số điểm mới khác như: Định nghĩa về rừng được xác định theo 3 tiêu chí: diện tích; chiều cao cây; độ tàn che để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu chung của quốc tế. Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bền vững. Hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp…

    Luật Lâm nghiệp 2018 có hiệu lực từ 01/01/2019 thay thế theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004

     

    6. Phải công khai quy hoạch đất chậm nhất 15 ngày từ khi được phê duyệt

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai 2013 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch, toàn bộ nội dung về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi đã được phê duyệt phải được công bố công khai như sau:

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố công khai kế hoạch sử dụng đất quốc gia tại trụ sở cơ quan và trên Cổng thông tin điện tử; Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên Cổng thông tin điện tử; UBND cấp huyện công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan và trên Cổng thông tin điện tử đồng thời công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở UBND cấp xã.

    - Việc công bố công khai phải được thực hiện chậm nhất là 15 ngày từ ngày nội dung kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    - Việc công khai phải được thực hiện trong suốt thời kỳ kế hoạch sử dụng đất.

    Như vậy, trong vòng 15 ngày sau khi kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, các Bộ TNMT và UBND các cấp phải thực hiện công bố công khai kế hoạch liên quan tại trụ sở kể cả tại trụ sở của UBND cấp xã và trên Cổng thông tin điện tử.

    Luật cũng Sửa đổi căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đất cấp tỉnh, đất cấp huyện, đất quốc phòng, đất an ninh; việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (quy định hiện hành cho thời hạn là 30 ngày);

    Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều nội dung thay đổi liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Luật có hiệu lực từ 01/01/2019.

     

    7. Sửa đổi 11 Luật liên quan đến quy hoạch

    Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật liên quan đến quy hoạch năm 2018 của Quốc hội cũng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. 11 luật được sửa đổi bao gồm Luật An toàn thực phẩm; Luật Công chứng; Luật Dược; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Hóa chất; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Trẻ em

    Một trong những Luật được sửa đổi, bổ sung bởi Luật này là Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, bổ sung quy định xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm; ban hành chính sách phát triển chợ, siêu thị; trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị….

    Sửa đổi một số điều luật trong Luật Công chứng như bỏ quy định về Văn phòng Công chứng phải xin phép UBND cấp tỉnh khi muôn đổi trụ sở của Văn phòng công chứng sang huyện, quận, thị xã, thành phố khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập

    Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

     

    8. 04 điều kiện để Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

    - Là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ;

    - Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I quy định tại Điều 53 của Luật này; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;

    - Có số lượng nhân viên kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ;

    - Có phương tiện, thiết bị, công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với quy định trong định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc và bản đồ để thực hiện một sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc nội dung đề nghị cấp giấy phép.

    Theo Luật này, mỗi tổ chức được cấp 01 Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho một hoặc một số nội dung kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ thuộc Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép.

    Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có giá trị trong cả nước, có thời hạn ít nhất là 05 năm và được gia hạn.

    Luật Đo đạc và bản đồ cũng quy định rõ việc phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý.

     Luật đo đạc và bản đồ 2018 có luật có hiệu lực 01/01/2019

     

    9.  Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản.

    Là nội dung được Luật Thủy sản 2017 quy định, cùng với đó, tổ chức, cá nhân sẽ được cấp giấy phép khai thác thủy sản khi đáp ứng đủ 8 điều kiện sau:

    a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;

    b) Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;

    c) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;

    d) Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

    đ) Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định của Chính phủ;

    e) Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

    g) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

    h) Trường hợp cấp lại do giấy phép hết hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản này, đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

    Về khai thác, Luật mới quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác. Theo đó UBND cấp tỉnh sẽ cấp phép, cấp hạn ngạch khai thác thủy sản cho các tàu cá vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý, nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững

    Ngày 01/01/2019 Luật này có hiệu lực đồng thời Luật thủy sản 2013 hêt hiệu lực

     

    10. Luật hóa đặt cược thể thao từ năm 2019

    Một trong những điểm mới nhất của Luật là lần đầu tiên quy định về đặt cược thể thao được hợp pháp Theo đó Điều 67a quy định Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.

    - Ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc trong nhà trường

    Đây là một điểm mới đáng chú ý trong Điểm a, Khoản 6, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao

    Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các cấp học và trình độ đào tạo; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc.

    Luật còn bổ sung một số quy định về chính sách ưu đãi cho các các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

    - Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 sửa đổi, bổ sung Luật thể dục, Thể thao 2006.

     

    Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"

     
    4656 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận