Ngày 19/4/2015, tại công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) đã xảy ra tình trạng hỗn loạn khi rất nhiều người trèo rào rách cả quần áo khiến dư luận không khỏi hoang mang. Không lâu sau đó có clip được phát tán lan truyền hình ảnh nhiều thanh niên tụ tập xung quanh cô gái mặc bikini bị trêu đùa sàm sỡ rất thô tục và gây phản cảm. Hậu quả là cô gái đã ngất xỉu và rách bộ đồ bikini trên người.
Qua trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng Luật NewVision), dưới đây chúng tôi đã tổng hợp lại các ý kiến của Luật sư, như sau:
- Thưa Luật sư, Ông có cảm nhận gì khi đọc & nghe những thông tin xảy ra tình trạng hỗn loạn, nhiều người ở trèo rào rách cả quần áo để được vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí?
Tình trạng này phản ánh một lối ứng xử công cộng thiếu chuẩn mực. Trong số những người góp phần vào sự hỗn loạn này có những người có trình độ học vấn cao. Nhưng người ta vẫn dễ nhận ra trình độ tri thức không ngang bằng với văn hóa nói chung. Khá nhiều người trẻ trong số đó đã không kiểm soát mình: leo trèo không nghĩ đến hiểm nguy, đùa giỡn thái quá… Thậm chí còn có cả những bậc cha mẹ cố bế con vượt nguy hiểm để trèo rào vào… Đây là một việc cần xem xét nghiêm túc.
Tôi cho rằng điều này thể hiện tâm lý bị cuốn theo, hành vi mang tính “bầy đàn” của một số nhóm người.
- Vậy, những thanh niên này có thể bị xử phạt hay không và cụ thể là phạt như thế nào, thưa Luật sư?
Về mặt pháp lý, ở nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi trên có thể coi là hành vi làm mất trật tự nơi công cộng, gây rối trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, hành vi làm nhục.
Hiện nay, những hành vi quấy rối tình dục thường được xử lý theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội.
Theo đó hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”.
Với những người, chủ mưu, cầm đầu "Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng, xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác" sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu trên và hình phạt là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Nếu có đầy đủ chứng cứ để chứng minh việc các thanh niên sàm sỡ thiếu nữ thì vi phạm điều 121 Bộ luật hình sự. Cụ thể, “người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
- Thực tế tình trạng hỗn loạn như thế này đã từng xảy ra ở nhiều nơi tổ chức các chương trình miễn phí. Vậy, theo Luật sư nó xuất phát từ nguyên nhân nào?
Chúng ta có thể nhận ra rằng yếu tố kinh tế không phải là yếu tố chi phối hành vi ứng xử mang tính vỡ trận này. Sâu xa của điều đó có thể là do ý thức. Chính ý thức chi phối rất nhiều về hành động của một số bạn trẻ. Kể cả những bậc cha mẹ tuổi trung niên hành động mà quên đi sự an toàn, quên những ràng buộc về chuẩn hành vi, quên luôn cả hình ảnh của chính mình…
- Luật sư đánh giá như thế nào về vai trò quản lý của Công viên nước Hồ Tây?
Chính những biểu hiện đã nhìn thấy được sự thiếu kiểm soát của nhà quản lý. Vấn đề không phải chỉ là thiệt hại kinh tế hay một thiệt hại vật chất mà còn nhiều vấn đề khác có liên quan. Công viên cần phải đảm bảo chuẩn văn hóa, công viên cần có những chính sách và phương thức bảo đảm sự an toàn. Điều quan trọng nhất cơ quan chủ quản phải là nơi chịu trách nhiệm về sự an toàn của người dân đến tham gia vui chơi.
Sự việc này chính là hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức của bộ phận thanh niên hiện nay. Cần phải đẩy mạnh giáo dục, phổ biến về cách ứng xử có văn hóa và các hình phạt nếu vi phạm pháp luật hiện nay để giảm bớt những trường hợp đáng tiếc như thế này xảy ra.