Tôi đi học và đi làm, rồi đi gia sư để kiếm tiền học và trang trải mọi thứ. Có ai làm sinh viên mà hết tiền, đi làm đói rủn hết chân tay, trong túi còn đúng 2 nghìn mà ổ bánh mì bán 2 nghìn rưỡi cuối cùng phải xin cô bán bánh mì bán rẻ cho để ăn có sức mà đi làm?
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân, không địa vị xã hội, không giàu có nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng rằng mình có thể làm nên sự thay đổi gì đó mới mẻ trong gia đình.
Tuy là con một nhưng tôi ít được chiều chuộng như bạn bè cùng trang lứa, bố và mẹ đã nuôi tôi bằng tình thương đặc biệt. Tôi nhớ năm lớp 2 tôi bị gẫy tay, bố thức trắng đêm ôm tôi và khóc, ngay cả khi tôi sốt cao thì ít khi mẹ chăm sóc tôi. Mẹ và tôi không hợp tính nhau lắm nhưng tôi rất thương mẹ.
Khi tôi vào cấp 3, bệnh của bố tôi ngày một nặng hơn, bố không làm được gì cả nên buồn, hay tìm đến rượu và tất cả đã thay đổi rất nhiều. Tôi từng khuyên bố nhưng chỉ được vài ngày đâu lại vào đấy. Tôi thất vọng về bố nhiều lắm, dần dần tôi ít nói chuyện với bố hơn.
Đầu năm lớp 11, hôm ấy cũng bình thường như mọi ngày, tôi đạp xe đi học và lúc bố gọi quay lại nhưng tôi chỉ chào bố rồi đi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố. Khi tan học về người ta nói với tôi rằng bố tôi đã qua đời trên đường đi cấp cứu. Lúc ấy, tôi không còn tin vào tai mình nữa, tôi hối hận và không biết phải làm gì.
Tôi thấy suy sụp, tôi là một đứa con bất hiếu. Tôi không nhớ những ngày sau đó dài như thế nào, chỉ biết im lặng. Thời gian bố bệnh, kinh tế gia đình tôi giảm sút đáng kể. Sau đám tang bố, mẹ con tôi càng ít nói chuyện, tôi biết có những đêm mẹ khóc thầm nhiều lắm. Thương mẹ, tôi không biết làm gì hơn là cố gắng học thật tốt để phần nào an ủi hương hồn bố, và muốn thực hiện ước mơ cháy bỏng hồi nhỏ là trở thành luật sư.
|
Ước mơ trở thành nữ luật sư của tôi cuối cùng cũng thành hiện thực. Ảnh minh họa: baoanhdatmui.vn |
Ngày 2 cốc café, tôi xa rời tất cả bạn bè, chỉ học hành thôi. Từ học sinh trung bình và thậm chí năm lớp 10 tôi tổng kết được có 3,7 Toán, tôi đã vươn lên đứng vào hàng những học sinh khá. Tôi biết nếu không có gắng hơn nữa thì tôi không bao giờ bước đến ngưỡng cửa đại học. Ngày tháng ấy dần trôi đi, xa rời mọi hoạt động của lớp chỉ học và học.
Năm lớp 12, tôi đứng đầu lớp, tuy là lớp đại trà của một trường cấp 3 không mấy danh tiếng nhưng đó là sự bắt đầu của tôi. Đôi khi cuộc sống không phải là đường thẳng phía trước, kinh tế nhà tôi ngày càng hạn hẹp, tôi không dám thi đại học vì biết mẹ không đủ sức nuôi tôi. Tôi đi làm thêm một thời gian và vừa ôn lại đại học.
Có những đêm giao thừa lạnh buốt, tôi ở lại Hà Nội và đi làm thêm, mình tôi trông gần 200 chiếc máy trong khu tập thể mà không dám ngủ. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, có lẽ giờ này chúng bạn ở quê đang đi xem bắn pháo hoa. Đôi lúc, tôi thấy mình vẽ lên sự khởi đầu của cuộc sống mà toàn nhận về mình những gam màu tối nhất.
Cuối cùng tôi cũng xin mẹ thi lại, mẹ không đồng ý nhưng tôi vẫn quyết định và khi tôi đưa ra quyết định thì sẽ thực hiện đến cùng. Tôi lên thành phố, tự đi thuê nhà, tự ôn lại. Kết quả mà tôi có được sau những ngày đó là tôi đã đỗ Đại học Luật mà tôi mơ ước. Nhưng đó chỉ bắt đầu cho những chuỗi ngày sau này mẹ tôi không thể gắng gượng hơn. Tôi hiểu điều đó, tôi cũng biết mẹ sẽ buồn lắm khi ở nhà một mình, nhiều khi tôi khuyên mẹ đi thêm bước nữa nhưng mẹ vẫn khăng khăng sẽ ở vậy.
Tôi chỉ biết cố gắng học hành và đi làm thêm mong sao có thể bù đắp cho mẹ phần nào. Nhưng cách mẹ tôi chọn lựa thật sự đã làm tôi suy sụp rất nhiều, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu. Mẹ bỏ đi mang theo toàn bộ đồ dùng vật dụng trong nhà, kể cả chiếc chìa khóa nhà và để lại một khoản nợ đáng kể. Tôi gần như phát điên, tôi hận mọi thứ, tôi suy sụp và kết quả học lại sút đi.
Ước mơ ấy đã ngủ quên trong tôi, đôi lúc tôi tự bỡn cợt mình, tôi nói mình lại tự huyễn hoặc mình. Tôi đã làm gì sai nên mới chẳng khác gì đứa trẻ mồ côi. Tôi không khóc, nhưng ước gì có thể khóc cho vơi bớt đi. Có những lúc tôi nghĩ sẽ bỏ dở học giữa chừng nhưng có cái gì đó đã kéo tôi lại.
Tôi không thể quên được hình ảnh bố, chắc bố sẽ thất vọng lắm, nghĩ vậy tôi lại cố gắng. Những lúc suy sụp nhất là lúc tôi cảm thấy còn may mắn hơn mọi người vì tôi có một người luôn động viên, giúp đỡ mình. Tuy chỉ là bác dâu nhưng bác giống như người mẹ, luôn động viên khi tôi gục ngã.
Ngoài ra, chị hàng xóm khi nào tôi về không cho tiền thì cho gạo, động viên an ủi. Rồi các bà lại kéo ra nhà chơi. Tuy họ không cho tôi tiền bạc, vật chất nhưng tôi biết họ đã cho tôi niềm tin thực sự vào cuộc sống, có vất vả cũng phải cố gắng. Nếu tôi bỏ dở có nghĩa là tôi có lỗi với tất cả những người đã quan tâm đến mình.
Tôi tiếp tục đi học rồi làm thêm, có những ngày hè nóng nực phải đi xe bus hơn 15 km đến trường bởi đơn giản tôi không đủ tiền có thể sống gần trường. Đi học và đi làm, rồi đi gia sư để kiếm tiền học và trang trải mọi thứ. Có ai làm sinh viên mà hết tiền, đi làm đói rủn hết chân tay, trong túi còn đúng 2 nghìn mà ổ bánh mì bán 2 nghìn rưỡi cuối cùng phải xin cô bán bánh mì bán rẻ cho để ăn có sức mà đi làm?
Có những ngày đi làm về ngất trước cửa nhà trọ mà lúc tỉnh lại cười thầm bảo mình may quá vẫn còn sống, tôi vẫn cứ cười và bước qua. Có những bạn chỉ cần nói nhỏ với ba mẹ xin tiền đi học ngoại ngữ, còn tôi phải hì hục thức khuya tự học. Có hôm đi làm thu ngân ở quầy bán hàng cứ chăm chăm vào cái tivi có truyền hình cáp để học tiếng Anh. Cô chủ hiểu và đùa tôi thôi mai bê luôn cái tivi về mà học.
Đã 3 năm từ ngày mẹ bỏ đi, giờ tôi đã là sinh viên năm cuối, không biết mẹ có khỏe không, có hạnh phúc không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng tôi không muốn tìm câu trả lời. Tôi sẽ cố gắng thực hiện hoài bão tự mình đi du học và có thể làm đúng như mơ ước của tôi là có một văn phòng luật riêng, tập trung được người có năng lực làm việc cho mình.
Tôi không giỏi nhưng tôi muốn có được tất cả những người giỏi làm việc cho mình, đó là hoài bão quá lớn đối với một cô gái 24 tuổi như tôi. Nhưng tôi tin có thể làm được vì tôi biết đâu đó vẫn có người dõi theo tôi.
Phan Thị Hạnh
Với luật sư, nói phải có căn cứ, có lý, có tình thì hãng nói. Nói chung chung, nói vu vơ, nói tránh đụng chạm thì tốt nhất là đừng nói.
Làm thì làm làm dứt khoát, làm cẩn thận. Làm mà sợ đầu sợ đuôi, làm không đến đầu đến đũa thì tốt nhất là đừng làm.
Còn luật sư mà nghĩ cái này, nói cái kia; nói một đằng, làm một nẻo thì tốt nhất là nên về quê chăn vịt.
Vinh Quang l Trợ lý Luật sư - CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.luatvietkim.com)
M: 0934.666.282 - E: vinhquang@luatvietkim.com - Ad: P1705 - Đ3, 15 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.