| Hình minh họa | Tuần qua, chuyện góp ý cho dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng lại được quan tâm nhiều hơn với các đề xuất từ các hiệp hội chuyên ngành.Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, việc đưa kinh doanh vàng miếng vào khuôn khổ là đúng đắn, nhưng gom chung cả những doanh nghiệp sản xuất, gia công, và kinh doanh vàng trang sức là không hợp lý. Vàng trang sức là hàng hóa thông thường Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, phạm vi điều chỉnh của dự thảo trên là những doanh nghiệp có sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán vàng miếng vì vàng miếng là sản phẩm có hàm lượng vàng cao nhất, tính thanh khoản tốt nhất, việc chuyển hóa hàng thành tiền và từ tiền thành hàng nhanh nhất, do đó vàng miếng được xem là một phương tiện thanh toán. Do vậy, thị trường mua bán, xuất khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng mới có tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã gửi công văn đến NHNN góp ý về dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng và cũng có những ý kiến tương tự với Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM. Theo hiệp hội, trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ và cũng không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trái lại, nếu được khuyến khích sản xuất kinh doanh và xuất khẩu vàng trang sức sẽ góp phần cải thiện cán cân thương mại và kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế, không có quốc gia nào hạn chế phát triển hoạt động này. Khó cho doanh nghiệp nhỏ Theo dự thảo, hoạt động sản xuất, gia công, và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất, gia công và kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại dự thảo nghị định này. Như vậy, các doanh nghiệp này phải có đủ năm giấy phép, đó là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, nếu thực hiện các quy định này rất nhiều cơ sở gia công vàng trang sức, mỹ nghệ quy mô nhỏ với 5-10 thợ kim hoàn cùng vài loại máy móc thô sơ sẽ gặp nhiều khó khăn vì không thể đáp ứng các điều kiện của dự thảo nghị định. Thêm vào đó, theo cả hai tổ chức trên, việc quy định phải có năm giấy phép là chưa quán triệt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ giấy phép con không cần thiết. Dự thảo nghị định cũng quy định các doanh nghiệp này phải đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận theo quy định mới trong vòng 12 tháng tính từ ngày nghị định có hiệu lực. Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, ước tính cả nước hiện có gần 10.000 doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong đó phần lớn đều có sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Như vậy việc yêu cầu đăng ký lại sẽ gây tốn kém về công sức, chi phí hơn nữa khoảng thời gian 12 tháng để thực hiện yêu cầu này là quá ngắn. Mặt khác, theo đại diện của các doanh nghiệp kim hoàn, dự thảo nghị định chưa lường được tác động xã hội đối với hàng chục vạn thợ kim hoàn hiện nay. Nếu thủ tục đăng ký nhiêu khê, chủ doanh nghiệp, cơ sở tạm ngừng hoặc chuyển nghề, có thể đẩy hàng vạn thợ kim hoàn thất nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Kiến nghị nới lỏng cho doanh nghiệp vàng trang sức Theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, NHNN cần tách riêng quy định về sản xuất vàng và gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Đối với hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, theo đề xuất của hiệp hội, không cần thiết phải thành lập doanh nghiệp và không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của NHNN như dự thảo, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình tham gia hoạt động này. Hiện nay trên cả nước có hàng chục ngàn hộ cá thể, nhất là ở các làng nghề kim hoàn đang làm gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cho các doanh nghiệp và hoàn toàn không tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường. Do vậy các hộ này chỉ cần đăng ký xin giấy phép gia công tại phòng kinh tế quận, huyện là đủ. Còn đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, cần phải thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã, bởi vì các đối tượng này phải chịu trách nhiệm về chất lượng những sản phẩm mà đơn vị mình sản xuất và lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng không cần xin giấy chứng nhận của NHNN vì vàng trang sức là loại hàng hóa tiêu dùng thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh Ngoại hối nên việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này chỉ cần theo giấy đăng ký kinh doanh của sở kế hoạch và đầu tư là phù hợp. Tương tự với các nguyên nhân như trên, hai hiệp hội ngành hàng cho rằng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không cần phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện của NHNN. Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online |